Trong mấy chục năm trở lại đây, dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bộ mặt đời sống kinh tế xã hội đất nước thay đổi theo cả chiều hướng tích cực và kèm theo cả những thách thức. Quá trình này diễn ra với tốc độ chưa từng thấy và tác động nhiều nhất, làm biến đổi nhiều nhất cả về quy mô, cấu trúc và lối sống của gia đình Việt Nam.
Về mặt tích cực những giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Đời sống gia đình no ấm, đầy đủ hơn về vật chất và văn minh về đời sống tinh thần. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều chuyển đổi tích cực, lợi ích cá nhân được tôn trọng, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên được khuyến khích phát triển. Mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng là nét tiêu biểu của gia đình mới và có ảnh hưởng đến quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nói trên, thì cùng với sự đổi mới, kinh tế thị trường cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và đạo đức gia đình nói riêng. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam có biểu hiện xuống cấp, mai một. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống đang đặt ra những thách thức. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam. Một trong những thách thức của gia đình hiện nay như GS.TS.Hoàng Bá Thịnh, Chủ nhiệm bộ môn Giới và Gia đình, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: vấn đề lớn nhất của gia đình Việt Nam hiện nay là giáo dục gia đình.
Giáo dục gia đình gắn với quá trình nuôi dưỡng và là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trong đó giáo dục đạo đức, nếp sống là nội dung quan trọng nhất. Tuy nhiên hiện nay, giáo dục gia đình ở Việt Nam đang gặp không ít thách thức.
Trước hết có thể thấy nhịp sống của nhiều gia đình Việt Nam ngày càng hối hả tất bật hơn. Thời gian dành cho nhau giữa những người thân thiết trong gia đình ngày một ít, nhất là thời gian cha mẹ dành cho con cái. Một bộ phận cha mẹ mải mê làm ăn, đầu tư về kinh tế nhưng không đầu tư thời gian dành cho con . Kết quả Điều tra gia đình Việt Nam 2006 cho biết gần 58% cha mẹ ở phía Nam và gần 63 % cha mẹ phía Bắc không dành nổi 30 phút một ngày để giải trí với con. Mải miết với cơm áo, gạo tiền và những nhu cầu khác không dành đủ thời gian bên con và cho con tất sẽ dẫn đến những hệ luỵ. Các nhà giáo dục đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái của không ít gia đình hiện nay.
Thứ nhất: Giáo dục gia đình đôi khi không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng.
Thế nào là một đứa con ngoan? Nhiều năm trở lại đây việc trọng bằng cấp và “thói háo danh” một cách thái quá đã khiến nhiều gia đình (nhất là nơi đô thị) quay cuồng vào cuộc chạy đua cho con vào đại học, vào trường chuyên lớp chọn một cách vô lối. Dường như đã trở thành một nhu cầu của cha mẹ, ngày nào thấy con đi học về cũng chỉ hỏi “hôm nay được mấy điểm”. Trong không ít gia đình, nhất là các gia đình trẻ, cha mẹ thích điểm 10 và giấy khen hơn cả con trẻ. Điều này cho thấy mối quan tâm của cha mẹ là “muốn con học giỏi, thành đạt chứ mấy ai quan tâm dạy con nên người” (Đỗ Văn Giảng- Nhà tâm lý học- Văn phòng Tâm lí học đường, Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội).
Hãy ngẫm lại, cha ông đã “định hình phẩm chất” (tôi tạm gọi) một đứa trẻ ngoan là thế nào. “Người học trò ở trong nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường kẻ bề trên, làm việc gì thì cẩn thận, nói điều gì thì tín, rộng lòng thương người mà lại thân với kẻ có nhân. Hễ làm được những điều ấy rồi, mà còn thừa sức thì hãy học văn chương xảo kỹ” [Luận ngữ, thiên “Học nhi” đệ nhất], (Xem Sơ học luân lý, Nxb Tân Việt, in lần thứ 2, 1950). Chắt lọc từ những điều răn dạy xưa, chúng ta vẫn có thể tìm những điều bổ ích cho việc giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình hiện nay. GS.TS Hoàng Bá Thịnh có lý khi nhận xét rằng “giáo dục của ta chưa coi trọng những vấn đề giáo dục về nhân cách, về lối sống, về những giá trị sống, về kỹ năng ứng xử… Giáo dục của chúng ta mới chỉ làm tốt vấn đề dạy chữ nghĩa, còn về mặt giáo dục nhân cách của trẻ thì chưa thực sự quan tâm đến” (Xã hội phát triển kéo theo những tác động lớn vào mỗi ngõ ngách của gia đình- Tạp chí Gia đình số 28/6/2011).
Dân gian lại có câu: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, nếu một gia đình mà cha mẹ quá coi trọng đồng tiền và những giá trị vật chất mà xem nhẹ những giá trị thuộc về đạo đức, tình cảm trong ứng xử, trong lối sống…thì tất con cái họ khó trở thành người tử tế. Cũng theo Đỗ Văn Giảng (như đã dẫn) “Cách dạy con cái trong gia đình hiện nay thường nuôi dưỡng thói tham lam, ích kỉ, lười biếng và ỷ lại; những thói xấu đó nhiễm dần vào chúng và sẽ trở nên khó gạt bỏ nên đã trở thành thói quen. Trẻ bây giờ ít có những khả năng tự lập tự làm chủ nên thường hay rụt rè, e ngại, thiếu năng động; hoặc dễ bị kích động trở nên liều lĩnh, dễ bị lừa gạt, hoặc a dua theo đám đông, không ý thức được việc làm của mình” (Giáo dục gia đình không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng nữa- Dân trí 27/9/2013).
Thứ hai: Sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình còn là sự tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức.
Không ít các bậc cha mẹ “cho rằng con mình cái gì cũng nhất: thông minh, xinh đẹp, tài năng, trí tuệ…Họ tâng bốc và làm cho con cũng tưởng nó hơn người” (Giáo sư Văn Như Cương- Thư gửi phụ huynh học sinh trường Lương Thế Vinh nhân khai giảng năm học 2013-2014). Lối giáo dục ấy đã khiến nhiều đứa trẻ sinh ra thói ngạo mạn coi thường người khác (thậm chí thiếu tôn trọng cả thầy cô đang trực tiếp giảng dạy) và lớn lên nó sẽ trở thành người như thế nào?
Trong điều kiện đời sống kinh tế của đại bộ phận gia đình được cải thiện và nâng cao và ít con (Do chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình – mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), nên không ít gia đình đã nuông chiều, không rèn giũa con đến nơi đến chốn. Nhiều người chiều con cháu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quá mức của con cháu, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ. “Thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, kể cả nhu cầu vô lối. Ít khi nói cho con cái biết rằng đồng tiền làm ra khó nhọc như thế nào, không ai ăn tiêu mà không phải lao động sản xuất. Nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện nay, có khi chiều, cung phụng con chỉ để cho con ăn nhiều hơn, chơi ngoan, chăm chỉ học tập. Họ không lường được hậu quả đằng sau đó, không dạy cho con phải về việc phải yêu quý cha mẹ, người thân. Đây là sựlệch lạc trong giáo dục nhân cách đáng báo động”. (Tội đại nghịch đến từ sự lệch lạc giá trị sống – PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam- Phụ nữ Thủ Đô 21/5/2013).
Có thể đưa ra một lời bình: Hiện nay nhiều gia đình lúng túng trong việc dạy con cái. Hướng con cái vào những giá trị đạo đức truyền thống thì xem ra “lỗi thời”, hướng con cái vào các giá trị của giai đoạn trước đổi mới xem ra không phù hợp, hướng vào các giá trị hiện đại thì chưa thật rõ.
Thứ ba: Phó thác việc dạy con thành “người tử tế” trước khi thành “ông nọ bà kia” cho lực lượng khác ngoài gia đình đã khiến vai trò và bổn phận của cha mẹ trong giáo dục con cái trở nên mờ nhạt.
Không ít cha mẹ bận rộn với việc mưu sinh, sự thăng tiến của bản thân hoặc vì những lý do khác khi con mắc khuyết điểm đến gặp đại diện nhà trường thường nói “Trăm sự nhờ thầy”. Đây là câu cửa miệng mà trong thời buổi hiện nay dường như đã ít đúng. Mahatma Gandhi đã từng nói: “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ”. Giáo dục của cha mẹ mới thật sự là quan trọng. Giáo dục của nhà trường chỉ là sự tiếp nối của giáo dục gia đình chứ tuyệt nhiên không thể thay thế cho giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ. Phó thác việc dạy con cái về đạo đức, cách sống, lối sống, lối ứng xử cho người khác là một sai lầm cần phải được cảnh báo.
Hầu như trường học nào cũng có hàng chữ rất lớn “tiên học lễ, hậu học văn”. Song việc dạy “lễ” của nhà trường hiện nay đã không đáp ứng được tinh thần và tầm quan trọng của việc dạy “lễ” trong nhà trường. Nhận xét về chương trình dạy đạo đức hiện nay, sau cuộc khảo sát do đoàn của Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tại nhiều trường phổ thông năm 2013, ông Nguyễn Chí Thành, trợ lý Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: “Không những thời lượng rất ít mà môn đạo đức, giáo dục công dân ở bậc phổ thông có nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế”. Sự ôm đồm và không sát thực tế ấy có thể chỉ ra như sau: Ở bậc học Tiểu học: Mỗi tuần học sinh học 1 tiết đạo đức. Trong chương trình có những bài thiếu phù hợp. Chẳng hạn lớp 3 học “Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế“; lớp 5 học “Tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc”. Ở bậc Trung học cơ sở, lớp 7 có bài học về “Bộ máy nhà nước cấp cơ sở”, lớp 8 có bài học về “Quyền sở hữu tài sản”, lớp 9 có bài học về “Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế”, “Quyền và nghĩa vụ công dân trong hôn nhân”. Ở bậc Trung học phổ thông, lớp 11 và 12 không có tiết đạo đức. Lớp 10 học giáo dục công dân (29 tiết/năm) nặng về kiến thức triết học và đạo đức. Nội dung trừu tượng, chẳng hạn học sinh phải học “Các phạm trù đạo đức cơ bản, các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng”…
Trong bài Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Sợi chỉ đỏ là phát triển nhân cách người học” gửi Hội thảo khoa học 70 năm sư phạm Việt Nam – Đổi mới và phát triển tổ chức 21/12/2016 tại Hà Nội, Nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người”, nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả…”.