Nhằm giúp cán bộ làm công tác gia đình cập nhật thông tin và nghiệp vụ về lĩnh vực gia đình, hằng năm, Bộ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình cấp tỉnh và một số Bộ, Ban, ngành liên quan. Qua đó nâng cao hiệu quả việc thực hiện công tác gia đình nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình nói riêng. Các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, đối tượng là già làng, trưởng bản đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng để thực hiện công tác này tại địa bàn hiệu quả hơn, góp phần vào việc thực hiện các quyền của trẻ em được quy định tại Luật và nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bộ đã hoàn thiện các tài liệu để nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp (theo quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25/01/2014) để cung cấp cho các thành viên gia đình những kiến thức kỹ năng xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành nhân cách, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong gia đình,
cụ thể:
Đã hoàn thành 02 cuốn Tài liệu tập huấn công tác gia đình và triển khai trong các lớp tập huấn năm 2017 – 2018.
Năm 2017, đã xây dựng Tài liệu về giáo dục đời sống gia đình, triển khai đến 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan. Trong đó có nội dung cung cấp cho các thành viên trong gia đình các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em những việc cần làm khi phát hiện trẻ em bị xâm hại bạo lực; cung cấp cho trẻ kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành đã chủ động xây dựng kế hoạch nhân bản tài liệu để triển khai từ tết cơ sở và nguồn kinh phí địa phương.
Bộ đang chỉnh sửa, hoàn thiện Bộ tài liệu thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với tiêu chí ứng xử chung là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của cha, mẹ với con, ông, bà với cháu: Gương mẫu, Yêu thương. Chính tình yêu thương của ông, bà, cha, mẹ dành cho con cháu sẽ là yếu tố đầu tiên để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội.
Nội dung của các tài liệu trên đã được phổ biến, tiếp cận với người dân bằng nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, tài liệu tại các hệ thống thư viện, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, trong các buổi họp tổ/thôn/xóm…