Việc sửa đổi điều này cần đảm bảo các hành vi BLGĐ quy định trong Luật được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị BLGĐ dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi BLGĐ thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi BLGĐ. Quy định cụ thể các hành vi BLGĐ cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Bên cạnh đó, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống BLGĐ “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm” thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ; xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và đồng thời những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ để mối quan hệ trở nên tốt hơn. Do vậy, nên quy định tại khoản 2 Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình như sau: “2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.”
Ngoài ra, không phải tất cả hành vi BLGĐ quy định tại khoản 1 Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình đương nhiên áp dụng đối với những đối tượng quy định tại khoản 2 (là những đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình). Mọi hành vi đều được xem xét trong những trường hợp cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể gắn với trách nhiệm của các đương sự trong mối quan hệ cụ thể.