Các nghiên cứu đánh giá về thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở các nước trên thế giới được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau: cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn… Mỗi nghiên cứu có cách tiếp cận và phương pháp đánh giá riêng dựa trên mục tiêu của việc đánh giá luật.
Tìm hiểu mức độ phổ biến của Luật trong đời sống là mục tiêu phổ biến của nghiên cứu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở nhiều nước. Nghiên cứu của UN Woman Lào cho thấy, hầu hết phụ nữ ở vùng nông thôn không biết đến các quy định của luật pháp về bảo vệ chính mình. Do đó, có tới 43,2% phụ nữ trong mẫu nghiên cứu bị bạo lực nhưng không thông báo với tổ chức, cá nhân để được giúp đỡ (UN Woman Lào, 2015). Trong khi đó, nghiên cứu ở Hàn Quốc cho thấy 55% người được hỏi cho rằng có ý định khai báo khi gặp bạo lực gia đình song có đến 97,6% nữ giới và 98,9% nam giới không yêu cầu sự trợ giúp từ bên ngoài khi có bạo lực gia đình. Tỷ lệ từng khai báo với cảnh sát và sử dụng đường dây nóng khá thấp (Lee Gi-Soo, 2014).
Nghiên cứu ở Malaysia cho thấy bạo lực gia đình có xu hướng tăng lên và hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực tình dục, quấy rối và bạo lực tinh thần (Jamaluddin et al., 2019). Dù có quy định nhưng chỉ 20% bác sĩ lâm sàng và 6,8% nhân viên điều dưỡng ở Malaysia đã từng tham gia bất kỳ chương trình giáo dục nào liên quan đến bạo lực gia đình (Othman et al., 2008). Giới nghiên cứu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở Malaysia gần đây chú ý nhiều hơn đến bạo lực gia đình với người cao tuổi, khung pháp lý bảo vệ người cao tuổi trước những hành vi bạo lực của con cháu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu điểm của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi 2012 liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ người cao tuổi và Malaysia đã tiến hành sửa đổi luật vào năm 2017.
Trong khi đó, từ những năm 1980, Hàn Quốc xem bạo lực gia đình là một vấn nạn của xã hội, xâm hại đến nhân quyền và sự ổn định của gia đình, xã hội. Hàn Quốc có hai luật về bạo lực gia đình gồm: Luật Đặc biệt xử phạt tội phạm bạo lực gia đình và Điều luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân. Cả hai luật này chính thức có hiệu lực từ 1/7/1998. Từ năm 2001, phòng, chống bạo lực gia đình được chuyển giao cho Bộ Phụ nữ từ Bộ Phúc lợi và bảo vệ xã hội. Năm 2003, Bộ Phụ nữ tiến hành nhiều cuộc điều tra về tình trạng bạo lực gia đình và phối hợp tổ chức các nghiên cứu đánh giá về việc thực thi luật trong đời sống. Theo đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở Hàn Quốc có những hạn chế sau: (1) Sự thiếu thống nhất trong các điều luật về phòng chống bạo lực gia đình; (2) Sự bất cập trong việc tiếp cận và xử lý hình sự đối với bạo lực gia đình; (3) Thiếu khách quan khi đánh giá mức độ của vụ việc bạo lực gia đình; (4) Thiếu liên kết trong đối phó với bạo lực gia đình (Bộ Phụ nữ Hàn Quốc, 2013).
Ở Australia, nghiên cứu về bạo lực gia đình thường được tiến hành ở quy mô quốc gia và một nội dung quan trọng là rà soát khung pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu năm 2015 do Hạ viện Australia tiến hành khuyến nghị phải hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tiếp cận hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ về việc làm, tài chính trong quá trình tham gia các buổi chất vấn, giải trình ở toà án. Bên cạnh đó, chính phủ cần tăng cường việc thu nhập và cập nhật số liệu quốc gia về bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp hỗ trợ dài hạn với nạn nhân. Nghiên cứu ở Hàn Quốc khuyến nghị đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình. Năm 2007, Hàn Quốc sửa đổi bổ sung điều luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ người bị hại và vấn đề bạo lực gia đình được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc (ibid., Art. 4-3; Korea 9 Apr. 2008, Para. 74). Nhật Bản, Philippines, Campuchia, Đài Loan, Timor Leste, Malaysia quy định việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người, bạo lực gia đình, bình đẳng giới,… là một trong những biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình.
Luật mẫu LHQ khuyến nghị các quốc gia thông qua các chương trình hỗ trợ phòng ngừa và xóa bỏ bạo lực gia đình, bao gồm cả việc nâng cao nhận thức và giáo dục về vấn đề này, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các trường hợp bạo lực gia đình và nguyên nhân của BLGĐ, khuyến khích cộng đồng tham gia vào xóa bỏ bạo lực gia đình. Trường hợp Timor Leste, Luật (Law Against Domestic Violence 2010) quy định để phòng ngừa bạo lực gia đình nhà nước phải: (1) Tạo điều kiện để xây dựng một chương trình giáo dục về quyền con người cho các cấp học; (2) Biên soạn một chương trình giáo dục về quyền con người và các hình thức bạo lực gia đình cho cảnh sát, công tố viên, thẩm phán, luật sư tham gia giải quyết những vụ việc bạo lực gia đình; (3) Cung cấp thông tin cho cộng đồng, lãnh đạo cộng đồng (truyền thống) về quyền con người, bạo lực gia đình.
Nhiều nghiên cứu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đánh giá và khuyến nghị các quy định cụ thể trong luật. Từ bằng chứng của các nghiên cứu này, Philippines và Timor Leste đưa ra danh mục cụ thể các quyền của nạn nhân. Philippines quy định quyền nạn nhân gồm: (1) Được đối xử với sự tôn trọng phẩm giá; (2) Được trợ giúp pháp lý miễn phí; (3) Được hưởng các dịch vụ hỗ trợ của Bộ Phúc lợi và các cơ quan địa phương; (4) Được hưởng mọi sự bồi thường pháp lý và hỗ trợ theo quy định của Bộ luật gia đình; (5) Được thông báo về các quyền và dịch vụ dành cho mình bao gồm cả quyền được nộp đơn đề nghị ra quyết định bảo vệ. Timor Leste quy định: (1) Được các cá nhân hoặc tổ chức, bao gồm cả cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, tư nhân, cán bộ thi hành pháp luật, cộng đồng giúp đỡ và hỗ trợ; (2) Được tiếp cận các dịch vụ an toàn, tiện lợi và bí mật dựa trên các nguyên tắc quốc tế về quyền con người; (3) Được hưởng các dịch vụ pháp lý, tâm lý và các dịch vụ khác; (4) Được cảnh sát và các cơ quan khác bảo vệ; (5) Được tiếp cận thông tin về quá trình xử lý vụ việc bạo lực gia đình do các cán bộ thi hành pháp luật, cố vấn pháp lý, cố vấn tâm lý và cố vấn khác tiến hành; (6) Được có người phát ngôn và phiên dịch trong toàn bộ quá trình tố tụng; (7) Được tham gia vào việc ra quyết định liên quan đến dịch vụ dành cho họ; (8) Được hưởng tố tụng công bằng, nhanh chóng, đơn giản. Luật mẫu của LHQ cũng khuyến nghị luật bạo lực gia đình cần có quy định về quyền của nạn nhân: cung cấp thông tin và được tư vấn, tôn trọng phẩm giá và sự riêng tư, được tiếp cận dịch vụ y tế, pháp luật, tham vấn thích hợp và các dịch vụ hỗ trợ khác. Các thủ tục tố tụng liên quan đến bạo lực gia đình, kể cả việc áp dụng quyết định bảo vệ đều phải được tiến hành kín tại Tòa án nhằm bảo vệ sự riêng tư và phẩm giá của nạn nhân.