Ngày 17/10/2018, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) giai đoạn 2008 – 2018. Đến dự có ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Trong những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và đạt được kết quả đáng khích lệ. Luật đã được triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của xã hội, từng gia đình và thành viên trong mỗi gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Công tác tuyên truyền Luật được triển khai sâu rộng tới từng địa bàn dân cư với các hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng; Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập tại 56/56 phường, xã với 277 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 168 số điện thoại đường dây nóng, 569 địa chỉ tin cậy đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của mỗi người dân, góp phần phát hiện và giải quyết các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.
Các hoạt động tư vấn, trợ giúp, đấu tranh về bạo lực gia đình đã được chính quyền, ban, ngành đoàn thể từ thành phố đến cơ sở chú trọng quan tâm. Người bị bạo lực gia đình được tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ. Người gây bạo lực gia đình bị xử lý theo pháp luật. Trong thời qua đã thụ lý 4.080 vụ việc về mâu thuẫn trong gia đình, hòa giải thành 3.428 vụ việc (đạt 84%); thực hiện góp ý, phê bình tại cộng đồng 433 vụ; xử lý vi phạm hành chính 848 vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương và ghi nhận những thành tích mà các sở, ngành, địa phương đã đạt được trong 10 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Luật vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đề xuất, kiến nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để việc thực thi Luật trong thời gian tới sát với tình hình thực tế tại cơ sở và quy định rõ trách nhiệm cho các ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.
Tiếp tục quán triệt tới toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của các cấp, các ngành trong việc phối hợp triển khai thực thi Luật. Gắn chỉ tiêu nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các phong trào thi đua của địa phương như phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hoá…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, giảm số vụ và mức độ nguy hiểm do bạo lực gia đình gây ra. Tăng cường giáo dục trong trường học, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào trong chương trình giáo dục ngoại khóa phù hợp với từng cấp học để làm giải pháp lâu dài trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình ở thế hệ tương lai. Nam giới là đối tượng chính gây ra bạo lực gia đình, vì vậy phải huy động, thu hút nam giới tham gia vào các hoạt động truyền thông để đem lại kết quả tích cực hơn.
Duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả ở các địa phương, đảm bảo mỗi thôn, khu dân cư đều có một mô hình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ hoà giải trong công tác tư vấn, hoà giải các vụ mâu thuẫn trong gia đình. Tăng cường hoạt động của đường dây nóng và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng dân cư đảm bảo việc hỗ trợ, bảo vệ và tư vấn cho nạn nhân, giúp nạn nhân vượt qua khó khăn và biết tự bảo vệ mình không để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng cho đối tượng tại cơ sở. Đẩy mạnh việc xây dựng tài liệu truyền thông về giáo dục đời sống trong gia đình; các kỹ năng can thiệp, xử lý và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; thu thập và quản lý dữ liệu, phân tích dữ liệu, báo cáo tình hình phòng, chống bạo lực gia đình để đề ra các giải pháp phù hợp cho từng vụ việc, từng địa phương.
Thực hiện khởi tố và xét xử điểm lưu động một số vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và thực thi của chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình