Hòa giải là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hòa giải mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật, nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân (Sở tư pháp Long An, 2017). Nghiên cứu tại xã Chương Dương cho thấy, hiện nay địa bàn xã có 6 tổ hòa giải cơ sở với vai trò hòa giải mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Thường Tín về kết quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở những năm gần đây cho thấy trên địa bàn xã tiếp nhận 9 vụ việc hòa giải thì có đến 7 vụ việc hòa giải thành. Có thể thấy, khi có xích mích xảy ra trong cộng đồng đa phần người cao tuổi có can ngăn, khuyên giải.
Cũng theo số liệu thống kê của UBND huyện Thường Tín, tính đến ngày 20/9/2016, trong số 36 hòa giải viên trên địa bàn xã thì có 11 người cao tuổi, chiếm 30,6%, 4 trên 5 tổ trưởng tổ hòa giải là người cao tuổi. Tiêu chí lựa chọn hòa giải viên cơ sở là người có uy tín tại địa bàn, được nhân dân quý mến, luôn nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. Và người cao tuổi chính là nhóm đối tượng nhận được sự tín nhiệm này.
Có vấn đề gì gây ra mâu thuẫn, xô xát, hiểu nhầm, bà con báo thì mình đến hòa giải thôi. Cả tổ theo bác tổ trưởng đến, lắng nghe họ và mọi người xung quanh để nắm bắt tình hình cụ thể, rồi phân tích giúp họ hiểu ra vấn đề mà tự làm lành với nhau. Đi hòa giải cái chính là phải biết lắng nghe ý kiến từ cả hai phía cháu ạ, tốt nhất là không nói ai đúng ai sai. Họ đang tức giận, mất bình tĩnh, mình nói vậy chỉ tổ đổ thêm dầu vào lửa. (Nữ, 66 tuổi, thành viên Tổ hoà giải của thôn, gia đình 3 thế hệ).
Tại khoản 6 Điều 23 Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 khẳng định “Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng” là một trong những hoạt động mà Đảng, Nhà nước, xã hội và gia đình cần tạo điều kiện để phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý giá và phẩm chất tốt đẹp của người cao tuổi. Như vậy, tham gia vào tổ hòa giải, người cao tuổi đã thể hiện vai trò của mình trong việc hòa giải mâu thuẫn, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.