Gia đình là một kiểu thiết chế xã hội, vốn được hình thành một cách tự nhiên (theo quy luật duy trì và phát triển nòi giống). Song vì tồn tại trong các xã hội cụ thể, với các mối quan hệ trong – ngoài chồng chéo, nên sự ra đời, tồn tại, phát triển của gia đình còn chịu sự chi phối bởi nền tảng tư tưởng của giai cấp cầm quyền và các giá trị cũng như phản giá trị của nền kinh tế, văn hóa, xã hội quá khứ và hiện tại. Nghiên cứu về gia đình, đặt nó trong các mối quan hệ tự nhiên – xã hội là một cách tiếp cận để chúng ta lý giải vì sao gia đình vừa có tính bền vững, vừa rất mong manh, “dễ vỡ”.
Trong tự nhiên, các quần thể sinh vật nói chung luôn tồn tại hai xu hướng – quy luật là quần tụ và phân tán. Quần tụ (xu hướng các cá thể cùng loài sống tập trung một khu vực, tạo thành quần thể) mang lại sức mạnh tổng hợp, giúp sinh vật thuận lợi trong thực hiện chức năng sinh sản và tự bảo vệ. Phân tán (sự phân ly, tách rời của một bộ phận cá thể ra khỏi quần thể) giúp các loài mở rộng phạm vi cư trú, kiếm ăn, nâng cao chất lượng giống nòi. Khi xã hội loài người còn ở giai đoạn sơ khai, quan hệ gia đình chịu sự chi phối rất rõ của quy luật tự nhiên. Cộng đồng người nguyên thủy sống chung trong một khu vực, hôn phối ngẫu nhiên tạo thành một gia đình lớn, chung huyết thống. Các gia đình lớn ấy tồn tại, phát triển được nhờ sự đùm bọc, chở che, bảo vệ nhau, nhờ sự phân công lao động xã hội (giữa nam – nữ, người trẻ – già, người mạnh – yếu…) để cùng có ăn, có mặc. Tuy nhiên, khi gia đình lớn trở nên quá đông, hôn nhân cận huyết làm suy giảm chất lượng các thế hệ con cháu, đã có sự tách ra ở riêng của một số cá thể hoặc cặp đôi trẻ để mở rộng địa bàn cư trú, tăng cơ hội sinh sống và tìm bạn đời. Những gì mà các cá thể con cháu học được khi chung sống trong gia đình lớn cùng bố mẹ, ông bà sẽ là kinh nghiệm, là kỹ năng sống cho các gia đình mới về sau. Có thể thấy, dù quần tụ (ở chung) hay phân tán (tách ra ở riêng) thì ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các cá thể đối với cộng đồng, giữa các thế hệ và các thành viên trong gia đình với nhau đều được hình thành từ nhu cầu sống, tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm, được thực hiện một cách tự nguyện trên cơ sở phân công, lâu dần thành phong tục, tập quán, lề thói.
Khi nhà nước ra đời, quan hệ xã hội nói chung và quan hệ gia đình nói riêng chịu sự chi phối bởi pháp luật nhà nước, do các giai cấp cầm quyền quy định, song vẫn thấm đẫm những phong tục, tập quán, lề thói cộng đồng ấy. Các giá trị văn hóa truyền thống gia đình từ đó mà ra, phản ánh quan niệm về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên. Chúng tiếp tục vun đắp, hiện thực hóa qua bao thế hệ, giúp cho thiết chế gia đình bền vững, làm chỗ dựa cho sự bền vững của cộng đồng tự quản, làm cơ sở xã hội cho sự bền vững của một quốc gia, dân tộc.
Ở nước ta, pháp luật phong kiến về hôn nhân và gia đình được xây dựng dựa trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. Dù với nguyên tắc cơ bản là hôn nhân sắp đặt, không tự do, đa thê, gia trưởng, phụ quyền, bất bình đẳng, song, chính tác động của các giá trị gia đình được hình thành qua hàng ngàn năm trước đó đã giúp gia đình Việt tự mình tháo gỡ được sự “trói buộc” bất bình đẳng ấy, để cùng nhau xây nên tổ ấm cho mình. Xác định được giá trị của quan hệ cộng đồng có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình, nên dân gian xưa có câu: “bán anh em xa mua láng giềng gần”, hay “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Trong quan hệ vợ – chồng, giá trị của sự đồng thuận, chung góp trách nhiệm tạo nên sức mạnh cho mọi gia đình: “thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Các giá trị phản ánh trách nhiệm, nghĩa vụ trong quan hệ con cái với cha mẹ rất cụ thể, rõ ràng: “cha từ”, “con hiếu”, “con dại cái mang”. Giữa các anh chị em thì giá trị nghĩa tình, đùm bọc được đặt lên hàng đầu, bởi “anh em như thể tay chân”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên “chị ngã em nâng”, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, “đông con hơn đông của”, trên gương mẫu, dưới hiếu thuận, “đói cho sạch, rách cho thơm” trở thành khuôn mẫu chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, pháp luật bất bình đẳng về hôn nhân và gia đình của nhà nước thực dân – phong kiến bị xóa bỏ. Thay vào đó, với “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố với cả thế giới về quyền bình đẳng, về quyền được hưởng tự do và độc lập của dân tộc và con người Việt Nam. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Hiến pháp 1946) khẳng định về mặt nguyên tắc “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”; “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Từ các giá trị cơ bản về quyền con người ấy, trên con đường xây dựng một nước Việt Nam độc lập – tự do – hạnh phúc, các giá trị gia đình Việt Nam mới được xác lập, gìn giữ, phát huy. Nó tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để các gia đình sản sinh ra những người con đủ tình yêu với quê hương, đất nước, đủ trí thông minh, lòng dũng cảm và đức hy sinh, góp phần vào thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đưa cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”. Bổ sung, phát triển Cương lĩnh (năm 2011), Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.
Cụ thể hóa đường lối của Đảng, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Hiến pháp 2013 của Nhà nước xác định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”; “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Điều 36). “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”; “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân”; “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 37). “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc” (Điều 60). Luật Hôn nhân và Gia đình (2014) cụ thể hóa Hiến pháp, xác định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”; “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con”; “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”.