Ngày 12 tháng 11 năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 2674/SVHTT-XDNSVHGĐ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Sở VHTTDL chỉnh sửa một số nội dung, cụ thể như sau:
Chương I: Tại Điều 3: Khoản 6, Mục d). “Đánh bạc, nghiện game, người không có thu nhập ổn định; người sống trong gia đình có bạo lực”. Nên sửa lại thành “Đánh bạc, nghiện các trò chơi điện tử, người không có thu nhập ổn định; người sống trong gia đình có bạo lực”. Tại Điều 3: Khoản 16. “Nhạy cảm giới trong phòng, chống bạo lực gia đình là nhận thức…” Nên làm rõ cụm từ “Nhạy cảm giới” trong phòng, chống bạo lực gia đình là nhận thức sự khác biệt về giới khi áp dụng ……..
Chương II: Tại Điều 11: Khoản 1. Đề nghị gộp Điểm a) và Điểm d) (vì có nghĩa giống nhau) thành: a) Yêu cầu các thành viên gia đình và xã hội tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ, bảo đảm chỗ ở an toàn và giữ bí mật đời tư và thông tin khác theo quy định của Luật này.
Chương III: Tại Điều 20: Khoản 3. “Các loại hành vi bạo lực gia đình; hậu quả của bạo lực gia đình đối với cá nhân, gia đình và xã hội; các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình”. Đề nghị bổ sung “Các loại hành vi bạo lực gia đình; nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình đối với cá nhân, gia đình và xã hội;…”. Tại Điều 20: Khoản 4. “Kỹ năng xây dựng… ….kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi có nguy cơ hoặc bị bạo lực gia đình”. Nên sửa lại thành “Kỹ năng xây dựng……. kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử lý khi có nguy cơ hoặc bị bạo lực gia đình”. Tại Điều 22: Đề nghị bổ sung thêm thêm trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc bổ sung nội dung giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình vào trường học gắn với giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, trong đó chú trọng đến việc giáo dục các em học sinh những biện pháp khi gia đình có bạo lực xảy ra, các kỹ năng về phòng, chống bạo lực lực gia đình. Tại Điều 23: Khoản 4, Điểm b). “Thông qua cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình;” Đề nghị bổ sung “Thông qua cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội” vì các cơ sở này có đối tượng là người nghiện rượu, bia, ma túy, đánh bạc,…Tại Điều 24: Khoản 3. “Bộ Văn hóa, ……; chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Xây dựng tài liệu tập huấn tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình” Đề nghị bổ sung thêm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào khoản này. Tại Điều 28: Khoản 1. “Các hòa giải viên ngoài đáp ứng ….. và kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới trong gia đình” Đề nghị bỏ cụm từ “bạo lực giới trong gia đình” vì phòng, chống bạo lực gia đình đã bao gồm bạo lực giới trong gia đình. Tại Điều 30: Nêu trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xác minh, phân loại, xử lý vụ bạo lực gia đình, tuy nhiên dự thảo chưa quy định các loại bạo lực gia đình cụ thể, đề nghị bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong phân loại và áp dụng các biện pháp xử lý đối với từng loại bạo lực gia đình.
Chương IV: Tại Điều 37: Khoản 2. Đề nghị sửa lại thành “Trong quá trình thụ lý hồ sơ xét xử vụ án ly hôn, xét thấy nguy cơ xảy ra bạo lực cho nguyên đơn, Tòa án nhân dân ra quyết định cấm tiếp xúc”. Tại Điều 38: Khoản 1. “Người bị bạo lực gia đình được ưu tiên lựa chọn chỗ ở tại nhà hoặc nơi tạm lánh trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc”. Đề nghị bổ sung chữ “Nhân dân” sau chữ Tòa án. Tại Điều 42: Khoản 1, Mục b) “Được hỗ trợ ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác dựa trên đặc điểm về lứa tuổi, giới, tình trạng sức khỏe của người bị bạo lực gia đình” Đề nghị bổ sung chữ “tính” sau chữ giới. Tại Điều 49: Khoản 1. Quy định: “Người có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị xử phạt hành chính thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Đề nghị chỉnh sửa theo quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2020 đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chương V: Tại Điều 53: Khoản 1, Điểm c). “Cai nghiện rượu, bia đối với trường hợp gây bạo lực gia đình”. Đề nghị bổ sung thành “Cai nghiện rượu, bia đối với trường hợp người nghiện rượu, bia và các chất kích thích khác gây bạo lực gia đình”. Trong chương VI: Đề nghị bổ sung thêm một điều khoản quy định cụ thể về chính sách khuyến khích của Nhà nước cho cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thành lập thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Chương VII: Tại Điều 70: Khoản 2. “Kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình của các tổ chức ngoài công lập do tổ chức đó tự bảo đảm”. Đề nghị bổ sung nội dung giao Bộ Tài chính có mục chi kinh phí công tác phòng, chống bạo lực gia đình cấp xã trong hệ thống mục chi từ ngân sách.