Ngày 19 tháng 11 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản số 1604/UBND- KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉnh sửa một số góp ý, cụ thể như sau:
Về Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Đề nghị giải thích cụm từ “người gây bạo lực gia đình”, phân biệt với cụm từ “người có hành vi bạo lực gia đình” để bảo đảm sử dụng từ ngữ chính xác, đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật.
Tại khoản 3 Điều 2: đề nghị bổ sung cụm từ “thành viên gia đình”, cụ thể như sau: “Luật này áp dụng đối với các thành viên gia đình trong những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn”.
Tại khoản 6, Điều 3: đề nghị bổ sung quy định về biểu hiện của người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình: “…d) Đánh bạc, nghiện game, người không có thu nhập, người không có thu nhập ổn định; người sống trong gia đình có bạo lực”; “e) Người thường xuyên tiếp xúc với văn hóa phẩm đồ trụy”.
Tại Điều 4: đề nghị bổ sung hành vi bạo lực gia đình là “Ép buộc mang thai hoặc phá thai; ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản sử dụng biện pháp tránh thai; cản trở thành viên gia đình thực hiện quyền học tập, lao động”.
Đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa gộp chung 03 khoản 7, 8, 9 Điều 4 thành một khoản.
Đề nghị bỏ điểm k khoản 1, Điều 11, có nêu: “Được hưởng chế độ bảo hiểm trong thời gian điều trị tại cơ sở chữa bệnh đối với người có tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật”, vì đây là quyền đương nhiên của bất kỳ cá nhân nào nếu có tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Tại điểm a khoản 1 Điều 17: đề nghị sửa đổi cho phù hợp như sau: “Cử đại diện hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.
Tại khoản 8 Điều 20: đề nghị xem xét, bổ sung như sau: “Các biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tác hại của sử dụng rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác” cho thống nhất và phù hợp với Điều 3 của dự thảo Luật.
Tại Điều 24 Mục 2: đề nghị xem xét, sửa đổi và bổ sung quy định tiêu chuẩn của tư vấn viên và chế độ cho tư vấn viên vào Luật.
Tại khoản 3 Điều 28 có nêu “Ủy ban nhân dân cấp xã hằng năm có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên tham gia phòng, chống bạo lực gia đình”: đề nghị xem xét đưa nội dung kinh phí thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình vào Luật vì hiện nay các xã, phường, thị trấn hầu như không được cấp kinh phí cấp riêng để hoạt động cho công tác gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng. Do vậy, Điều này trong Luật khi đưa ra sẽ không có tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Tại khoản 2, Điều 34 có nêu “Thời gian không quá 3 giờ mỗi lần yêu cầu đến trụ sở Công an cấp xã”: đề nghị xem xét, chỉnh sửa lại như sau “người bị nghi vấn có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã trong thời gian không quá 3 giờ mỗi lần được yêu cầu”.
Tại khoản 1 Điều 36; khoản 1, 2, Điều 37: đề nghị thay thế từ “ra quyết định” bằng cụm từ “ban hành quyết định”.
Tại khoản 1 Điều 37: đề nghị bỏ từ “cho” vì xét xử các vụ án ly hôn là nhiệm vụ của Tòa án, không phải cơ chế cho ly hôn hoặc không cho ly hôn.
Tại khoản 4 và khoản 5 Điều 41: đề nghị xem xét gộp chung vào một khoản tích hợp như sau: “Khi người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh được nhân viên y tế thông báo phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bị bạo lực gia đình thì có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người gây bạo lực cư trú để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 1 Điều 48, đề nghị bổ sung cụm từ “đã được tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình”, cụ thể bổ sung như sau “người từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức phải xử lý hành chính hoặc tru cứu trách ny cứu trách nhiệm hình sự, đã được tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì bị góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư”, quy định như trên để tránh trường hợp có hành vi bạo lực gia đình xảy ra, tổ hòa giải không tiến hành hòa giải mà người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý, phê bình ngay. Đồng thời tránh trường hợp chồng chéo, không tách biệt hình thức hòa giải và góp ý, phê bình.
Đề nghị chuyển khoản 1 Điều 55 sang phần giải thích từ ngữ tại Điều 3.
Tại Điều 72, đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm của cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.