Đa số người cao tuổi vẫn sống với con cháu khi về già. Tuy vậy, người cao tuổi hiện nay phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là bệnh tật, sức khỏe suy giảm, lo toan cuộc sống. Nhiều người cao tuổi chưa hài lòng với việc chăm sóc, trợ giúp và phát huy vai trò của người cao tuổi tại cộng đồng. Do con cháu mải lo cuộc sống mưu sinh nên một số gia đình không có thời gian chăm sóc bố mẹ, ông bà. Một bộ phận con cháu mới chỉ quan tâm đến đời sống vật chất của các cụ, còn cuộc sống tinh thần thì chưa được chú ý. Một số trường hợp đưa người cao tuổi vào sống trong các trung tâm dưỡng lão và gần như phó mặc cho trung tâm, rất ít khi đến thăm hỏi bố mẹ, ông bà (ngoại trừ đóng tiền hàng tháng cho trung tâm). Điều này đã dẫn tới tâm trạng tiêu cực ở người cao tuổi. Họ khao khát tình cảm gia đình, sự giao tiếp với con cháu. Họ mặc cảm vì sự thờ ơ của con cháu đối với mình.
Phần lớn người cao tuổi sinh sống ở khu vực nông thôn và không có lương hưu. Trong bối cảnh an sinh xã hội còn hạn chế thì việc sắp xếp cuộc sống như vậy là một khó khăn rất lớn đối với việc chăm sóc người cao tuổi của các hộ gia đình. Hệ thống trợ giúp của gia đình cho người cao tuổi trong tương lai gần sẽ gặp nhiều trở ngại do những biến động của quy mô dân số và xu thế hạt nhân hóa gia đình. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động xã hội, tình trạng ly hôn, ly thân và nhiều thanh niên di cư tìm kiếm việc làm khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa. Vấn đề huy động nguồn lực, làm thế nào để không chỉ những người đóng bảo hiểm xã hội khi về hưu được hưởng mà còn một lực lượng đông đảo người lao động ở nông thôn hay trong khu vực lao động tự do có thể có được mức trợ cấp tốt hơn trong tương lai là điều mà, ngay bây giờ, các nhà hoạch định chính sách, nhất là chính sách về an sinh xã hội cho người già cần phải tính đến.
Người cao tuổi (trừ những trường hợp sức khỏe yếu) vẫn đang là nguồn lực quan trọng trợ giúp con cái các công việc nhà, chăm sóc trẻ nhỏ. Ngoài ra, với trải nghiệm cuộc sống dài lâu của mình người cao tuổi còn truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm công tác hay ứng xử. Tạo điều kiện để người cao tuổi có thể đóng góp nhiều hơn trong đời sống gia đình là rất cần thiết.
Trong những năm gần đây, luật pháp và chính sách Nhà nước đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách chưa tạo ra được những thay đổi cơ bản về tính chất và hình thức chăm sóc ở Việt Nam.