Ngày 22 tháng 11 năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 3318/BC-SVHTT về việc Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình và thể thao” giai đoạn 2018-2021 giữa Sở Văn hóa và Thể thao với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố
Cụ thể, lĩnh vực gia đình đã được Sở Văn hóa và Thể thao đưa chỉ tiêu này vào thang điểm đánh giá thi đua hàng năm. Đồng thời, đó cũng là một trong những tiêu chuẩn văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để xét, bình chọn và công nhận “Gia đình văn hóa” trên địa bàn Thành phố.
Mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng tại Chi Hội” của Hội Liên hiệp Phụ nữ với phương pháp “vãng gia – tư vấn – tham vấn – kết nối – vãng gia” phát huy hiệu quả tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời các vụ bạo lực gia đình xảy ra tại cơ sở. Tổ chức truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của người dân, thành viên gia đình, hộ gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp với truyền thông về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đa phần nạn nhân của bạo lực gia đình là nữ giới chiếm đa số (tỷ lệ 85%), trong đó nạn nhân là nữ ở độ tuổi từ 16 – 59 chiếm tỷ lệ cao nhất hơn 80% trong tổng số nạn nhân nữ; dưới 16 tuổi chiếm tỷ lệ 11% và trên 60 tuổi tỷ lệ 7% trong tổng số các nạn nhân bạo lực gia đình. Có thể nói, nạn nhân bạo lực trong gia đình là những đối tượng yếu thế trong gia đình, trong xã hội. Họ là nạn nhân từ những người chồng, bạn đời, bạn tình hay những người thân trong gia đình. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Những hậu quả từ các vụ bạo lực gia đình hay chứng kiến các vụ bạo lực gia đình sẽ tác động tiêu cực đến sự trưởng thành về nhân cách của các em trong tương lai. Chưa kể sẽ dẫn đến những hệ lụy và tạo thêm những gánh nặng cho xã hội về mọi khía cạnh.
Tất cả các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn Thành phố đều được phát hiện và xử lý thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó có vai trò của báo chí. Qua số liệu trên, nhận thấy rằng nữ giới vẫn là nạn nhân chủ yếu của các vụ bạo lực gia đình, chiếm hơn 85% các vụ bạo lực gia đình; và người gây bạo lực nam giới là chủ yếu, chiếm hơn 91%. Nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện đều nhận được sự hỗ trợ, trợ giúp từ các cơ quan chức năng và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết tại địa phương, nhất là hiệu quả từ Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Thành phố hiện có khoảng 1.627 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc với 51.416 thành viên (22.811 nam, 28.605 nữ) và 231 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với 6.688 thành viên (2.946 nam, 3.742 nữ); có 1.741 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (5262 nam và 4515 nữ); có khoảng 1.056 tổ tư vấn với 4.257 thành viên (1.936 nam, 2.321 nữ) và 5.497 tổ hòa giải cơ sở (11.530 nam và 10.949 nữ); có khoảng 1.638 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Hoạt động Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, khi phát huy vai trò của những thành viên tích cực và người đứng đầu tại các địa phương, trong đó không thể nhắc tới người có uy tín tại cộng đồng. Ngoài ra, nạn nhân có thể tìm đến các Trung tâm hỗ trợ, tư vấn hôn nhân gia đình, Trung tâm trợ giúp pháp lý tại các địa phương, cũng như hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế để nhận được chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất và kịp thời.
Đối với người gây bạo lực, tùy theo mức độ hành vi vi phạm được xử lý theo pháp luật. Tại cộng đồng, các đối tượng này được tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền kiến thức về pháp luật liên quan đến gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; hoặc thông qua các buổi họp tại địa phương, biện pháp giáo dục góp ý tại cộng đồng được áp dụng đối với người gây bạo lực.
Do đó, trong thời gian tới, về phía ngành sẽ tăng cường hơn nữa các công tác truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công tác gia đình các cấp, nhất là vai trò của các tổ, nhóm tại cộng đồng trong việc phát hiện và hòa giải, xứ lý các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn và hạn chế số vụ bạo lực xảy ra nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.