Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt được những kết quả đáng khích lệ, số hộ “Gia đình văn hóa” trên địa bàn thành phố chiếm trên 96% (so với số hộ gia đình đăng ký). Phần lớn gia đình đã phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thể hiện qua những phong trào, những mô hình, những câu lạc bộ như: Xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Gia đình hiếu học”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”… Các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình văn hóa, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo… tổ chức phát động và vận động các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, nhân rộng các mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mô hình gia đình làm kinh tế giỏi, mô hình gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, mẫu mực…Qua đó giúp nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, vị trí của gia đình trong mọi tầng lớp dân cư.
Thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế- văn hoá- thương mại của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong các tỉnh có nhiều phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, tập trung ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Theo thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2005 đến ngày 31/12/2021 thành phố có 12.967 trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài. Trong đó: đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc là 2.324, Trung Quốc (Đại lục) 122; Trung quốc (Đài Loan) 7.457. Số ghi chú kết hôn từ 2005 đến 31/12/2021 là 14.555 người, trong đó Hàn Quốc 14.158; Trung Quốc (Đại lục) 28.
Phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tạo thành các gia đình đa quốc tịch, đa văn hóa, trở thành cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới. Hôn nhân đa văn hóa mang lại hiệu quả cho mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các nước, song khi vợ chồng trong gia đình đa văn hóa không khắc phục được sự khác biệt về văn hóa trong gia đình và dẫn đến ly hôn thì cơ hội này có nguy cơ tác động ngược và trở thành lực cản cho việc hòa nhập.
Cùng với sự gia tăng về số lượng các gia đình đa văn hóa thì nhiều vấn đề đã nảy sinh, đó là tình trạng ly hôn ngày càng nhiều trong gia đình đa văn hóa, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có 2 nguyên nhân chính là sự bất đồng về ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa.
– Đa số gia đình đa văn hóa có sự chênh lệch lớn về tuổi tác, đây là điểm dễ dẫn tới việc khó có sự hòa hợp và thêm bất đồng ngôn ngữ dẫn đến không hiểu ý nhau, không thông cảm cho nhau để cùng hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc; Sự khác biệt về văn hóa (thói quen, sinh hoạt, cách sống, phong tục tập quán…) vì vậy dù ở chung một nhà nhưng vẫn có cảm giá cô đơn, không hòa hợp. Sự kém khả năng thích ứng xã hội của con cái do bố mẹ trong gia đình đa văn hóa không thống nhất tính chính thể. Con cái gia đình đa văn hóa bị lẫn lộn về tính chính thể, không nhận thức rõ ràng mình là người Việt hay người nước nào bởi vì khi người bố hoặc người mẹ không biết rõ ràng về văn hóa của người bạn đời thì thường họ giáo dục con cái bằng văn hóa của nước mình, điều này dẫn đến các đứa con của họ không biết mình phải có cách suy nghĩ trên nền tảng văn hóa nào và không thực sự có ý thức mình là người nước nào. Đối với con cái của những gia đình đa văn hóa nhiều trẻ em không thích ứng được với xã hội nên dễ bị tự kỷ, mất phương hướng trong cuộc sống.
Sau khi kết hôn hầu hết là phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài. Những năm gần đây, tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài đặc biệt là phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, Trung Quốc bất hạnh cùng với con hồi hương về Việt Nam khá nhiều. Hiện nay, số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc hồi hương trở về sinh sống trên địa bàn thành phố Cần Thơ gần 500 người. Một số chị em sau ly hôn với chồng Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục ở lại sinh sống nhưng đưa con về Việt Nam gửi người thân nuôi dưỡng; một số hồi hương cùng con về Việt Nam sinh sống, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, phần lớn chị em luôn mặc cảm, tự ti ít hòa nhập cộng đồng và hầu hết bỏ đi làm ăn xa gửi con lại cho ông bà ngoại, người thân nuôi do không tự chủ về kinh tế, lệ thuộc kinh tế vào cha mẹ ruột, anh em, họ hàng là rất lớn. Nguyên nhân do trình độ thấp, không có vốn, không được đào tạo tay nghề hay kỹ thuật, cộng với những định kiến xã hội tồn tại trong cộng đồng đã khiến nhiều phụ nữ bắt buộc phải lựa chọn tái di cư tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp gần các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh hoặc tái di cư ra nước ngoài (khoảng 10%) và cuộc sống nghèo khó vẫn tiếp diễn.
Đối với trẻ em hồi hương: hiện nay số trẻ em lai Trung Quốc, Đài Loan; Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ là trên 1.000 trẻ, với nhiều lứa tuổi, nhưng đa số là ở tuổi vị thành niên. Khó khăn đối với các cháu bé sinh ra ở Hàn Quốc và Trung Quốc khi trở về Việt Nam là thiếu các giấy tờ về lưu trú, không đăng ký lưu trú được vì hộ chiếu hết hạn, hết hạn visa, thiếu giấy khai sinh, chưa được đăng ký hộ khẩu… từ đó ảnh hưởng đến việc đi học và nhiều quyền lợi cơ bản khác mà tất cả trẻ em đều được hưởng theo quy định của pháp luật. Về tâm lý thì bất ổn, nhất là đối với các bé có cha mẹ ly hôn, hầu hết các bé chọn im lặng để giấu đi cảm xúc. Luôn thiếu thốn sự chăm sóc tình cảm của cha mẹ. Định kiến xã hội vẫn còn phân biệt đối xử với những trẻ “con lai”, “con của gia đình tan vỡ” dễ khiến trẻ bị xa lánh, khó hòa đồng với mọi người. Đây chính là vấn đề đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội hiện nay, đặc biệt là trẻ em hồi hương cần được quan tâm nhiều hơn.