Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực của Ngành Y tế, nhiều Bộ/Ngành cũng đã ban hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành những chính sách, chương trình hỗ trợ cho việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cải thiện tình trạng an ninh lương thực hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tai nạn thương tích…qua đó gián tiếp góp phần cải thiện tình trạng bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, các Chương trình trên thường hoạt động đơn lẻ, thiếu tính kết nối, tính hệ thống và tập trung chủ yếu vào các mục tiêu, hoạt động của các Bộ/ngành xây dựng chương trình. Kinh phí thực hiện của các bộ/ngành khác đều yêu cầu từ ngân sách chi thường xuyên nên kết quả cũng phần nào hạn chế. Hơn nữa các chương trình có liên quan đến trẻ em cũng thiếu sự điều phối, kết nối chung.
Ngay trong Ngành Y tế, do kinh phí hạn chế nên cũng chỉ ưu tiên triển khai can thiệp giảm tử vong trẻ sơ sinh thông qua các dự án có phạm vi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống cũng như chưa huy động được sự tham gia của các bộ, ban, ngành và cấp ủy chính quyền các cấp. Chính vì vậy, việc huy động các nguồn lực, kể cả hỗ trợ quốc tế cũng bị hạn chế. Đến hiện tại vẫn chưa có 1 chương trình tổng thể, ưu tiên tập trung riêng vào các can thiệp trực tiếp để giảm tử vong trẻ em. Đánh giá tình hình thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trong MDGs và khoảng cách về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, tử vong ở trẻ em giữa các vùng miền, dân tộc chưa được thu hẹp, thậm chí còn tăng lên (Theo Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ – MICS do Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – UNICEF thực hiện cho thấy tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số năm 2006 cao gấp 1,5 lần trẻ em dân tộc kinh và tăng lên 3 lần vào năm 2011, tiếp tục tăng lên 4,3 lần năm 2014).
Phân tích nguyên nhân và các bài học thực hành tốt để giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cho thấy ngoài các can thiệp chuyên môn về y tế cần có các can thiệp đồng bộ khác như phòng chống tai nạn thương tích bao gồm cả tai nạn thương tích không chủ động như đuối nước, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông. Chính vì vậy, việc có một Chương trình riêng can thiệp trực tiếp vào mục tiêu giảm tử vong trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành với các giải pháp tổng thể, đồng bộ; huy động nguồn lực của cả Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, phát huy vai trò của các địa phương, Bộ/ngành, cộng đồng, các cơ quan, phương tiện truyền thông với sự điều phối chung của Bộ Y tế, Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, dân tộc về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, tử vong ở trẻ em của Nghị quyết 20 cũng như các cam kết trong lộ trình thực hiện SDGs vào năm 2030, thực hiện thành công mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam đảm bảo không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, đưa đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi.