Để chính sách, luật pháp về bình đẳng giới (BĐG) được triển khai, đi vào thực tiễn cuộc sống, trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về BĐG đã được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện và không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Thông qua nhiều hình thức truyền thông, giáo dục về BĐG, đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng và tác động của vấn đề bất BĐG, từ đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của BĐG đối với sự phát triển cộng đồng, xã hội.
Ở cấp quốc gia, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn,… về lĩnh vực này đã được tổ chức khá thường xuyên, thu hút sự tham gia tích cực và trở thành diễn đàn để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như các cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các bộ, ngành, địa phương trao đổi thẳng thắn, cởi mở những vấn đề liên quan ở mỗi đơn vị, địa phương mình.
Một số hoạt động truyền thông nổi bật đã được triển khai như: Cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật BĐG được tổ chức năm 2012 với quy mô toàn quốc đã thu hút gần 700 ngàn người dự thi ở mọi lứa tuổi; cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền về BĐG năm 2013 cũng đã thu hút 120 tác giả từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia với 236 tác phẩm được gửi về dự thi, cuộc thi được đánh giá là đạt chất lượng chuyên môn cao về nội dung và nghệ thuật, các thông điệp về BĐG được truyền tải rõ nét và phong phú ở các xuất bản phẩm và các cuộc thi tuyên truyền khác như: tờ rơi tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, BĐG trong lĩnh vực chính trị bằng các thứ tiếng dân tộc (H’Mông, Khơ Me, Ê Đê); tổ chức Cuộc thi viết về BĐG năm 2018; hội thi văn nghệ về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hội thi Nam giới xây tổ ấm,…
Đối với các bộ, ngành và địa phương, công tác tuyên truyền về giới, BĐG và tiến bộ của phụ nữ được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên tạp chí của ngành, báo giấy, đài phát thanh – truyền hình của địa phương; tổ chức hội thi, hội diễn tìm hiểu về BĐG, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân,… Một số bộ, ngành, địa phương đã có những hoạt động truyền thông về BĐG nổi bật như: Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và BĐG qua các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình và các hình thức khác; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã có nhiều chương trình, chuyên mục đưa tin, tuyên truyền về BĐG, góp phần nâng cao nhận thức về lĩnh vực công tác này. Các chuyên đề về BĐG, phụ nữ ngày một nhiều hơn, thời lượng phát sóng tăng lên. Nhiều chương trình thu hút được sự quan tâm của công chúng như Sức sống mới, Làm đẹp, Người xây tổ ấm, Nuôi con khôn lớn, Mình là phụ nữ, Bí quyết khỏe đẹp, Quà tặng cuộc sống, O2 TV, …
100% địa phương đã duy trì triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay. Những hoạt động này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên cả nước.