Ngày 07 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã xây dựng Báo cáo số 2369/BC-SVHTTDL về việc tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Trong 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn tỉnh. Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp được chú trọng quan tâm. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: yêu quê hương, đất nước; sống hiếu nghĩa, thủy chung đã và đang được các gia đình trên địa bàn tỉnh giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ.
Những giá trị văn hóa không phù hợp, lai căng dần được loại bỏ, nhường chỗ cho những giá trị văn hóa tốt đẹp thẩm thấu, lan tỏa vào các thành viên trong gia đình, dòng họ và trở thành nguồn gốc, động lực cho sự phát triển của gia đình.
Từ năm 2010, trung bình hàng năm tổ chức treo 2.260m2 băng rôn, cờ phướn mang các thông điệp tuyên truyền, ca ngợi truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức treo hàng ngàn m2 băng rôn, cờ phướn và tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, nhiều hội thi, hội diễn, nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan khác cũng đã được quan tâm tổ chức.
Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc, cấp tỉnh tổ chức thành công 04 Hội thi Gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh, 02 Hội thi Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, 02 Hội thi Gia đình Văn nghệ – Ẩm thực , 01 Lễ phát động cuộc thi viết về hạnh phúc gia đình, 03 Hội thi gia đình thể thao thu hút hàng trăm gia đình tham gia dự thi và hàng ngàn khán giả đến xem, cổ vũ cho Hội thi.
Tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hàng năm đã tổ chức hơn 1.500 buổi họp có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến các nội dung giáo dục đời sống gia đình, đặc biệt là các buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biên soạn, in ấn và cấp phát 2.000 cuốn sách “Các văn bản, chính sách về gia đình”; 2.000 cuốn tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; 2.800 cuốn tài liệu hỏi đáp về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; nhân bản 05 tập sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giáo dục đời sống gia đình cho cán bộ cơ sở làm cẩm nang trong quá trình tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện; phát hành 2.000 ấn phẩm truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới bằng 2 thứ tiếng Việt – Êđê; trên cơ sở bộ đĩa CD tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhân bản thành 184 bộ cấp phát cho 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức được 05 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 100% đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện, 184 Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa – Xã hội và cán bộ Văn hóa Thông tin cấp xã.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh gắn với việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Phong trào TDĐKXDĐSVH và Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại cơ sở, tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 364.167/444.649 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 81,9%); có 73/184 xã, phường, thị trấn có Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với 611 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 829 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 596 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 468 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình gồm: Cấp tỉnh có 03 công chức chuyên trách phụ trách công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và 01 lãnh đạo Sở được phân công kiêm nhiệm phụ trách lĩnh vực gia đình; cấp huyện có 15 công chức của các Phòng Văn hóa và Thông tin kiêm nhiệm theo dõi công tác gia đình (mỗi địa phương 01 người) và 184 cán bộ văn hóa – xã hội cấp xã kiêm nhiệm công tác gia đình ở cơ sở.
Giai đoạn 2010 – 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trên 18 lớp tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Trong đó có 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho trên 900 lượt cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện, cấp xã, cấp thôn, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao trình độ cán bộ.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình được đào tạo, tập huấn cơ bản, năng lực cán bộ thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 nói riêng và công tác gia đình nói chung trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án còn có những khó khăn như: Vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Đề án. Nhận thức của một bộ phận Nhân dân về vị trí, vai trò của đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam còn chưa sâu sắc. Sinh hoạt ở tại các thôn, buôn, tổ dân phố chưa đồng đều, nội dung và hình thức còn nghèo, chưa đa dạng, phong phú để thu hút đông đảo người dân tham gia, chủ yếu là lồng ghéo nội dung trong các cuộc họp của thôn, buôn, tổ dân phố. Tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu tại cơ sở. Kinh phí thực hiện công tác gia đình nói chung, triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình” chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tại địa phương, cơ sở.