Ngày 05 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Báo cáo số 339/BC-SVHTTDL về việc báo cáo kết quả Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” đã mang lại hiệu quả tích cực, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã và đang được lồng ghép với công tác xây dựng gia đình văn hóa, gắn việc thực hiện Đề án với hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó nhận thức của cộng đồng về công tác gia đình được nâng cao, sự quan tâm chia sẻ và nhìn nhận về vai trò của gia đình có những chuyển biến rõ rệt, đã xuất hiện nhiều gương gia đình điển hình, phát huy được vai trò giáo dục con cháu trong việc ứng xử với các thành viên khác trong gia đình, nêu gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu; đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thông qua các hoạt động đã tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp trong các gia đình được phát huy, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình, giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình, giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến cơ sở như: tuyên truyền lưu động; cổ động trực quan, tuyên truyền lồng ghép qua các Hội thi, Liên hoan, hội diễn… Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 trực tiếp triển khai thực hiện Đề án, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, do tỉnh không bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện Đề án. Tuy nhiên, căn cứ vào các nhiệm vụ chuyên môn, Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển văn hóa, thể thao và du lịch lồng ghép, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 70 hội nghị, tập huấn, hội thảo, hội thi, nói chuyện chuyên đề… thu hút hơn 14.000 lượt người tham gia; in ấn, cấp phát 50.000 tài liệu tuyên truyền về công tác gia đình, PCBLGĐ, bình đẳng giới; phối hợp thực hiện 40 chuyên mục phát sóng như: Hỏi – Đáp về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các phóng sự phản ánh các hoạt động triển khai mô hình các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống BLGD, các tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống BLGĐ; chuyên mục “Thông điệp phụ nữ” phát sóng 2 số/tháng; mục “Chung tay vì mái ấm gia đình”, “Phụ nữ và cuộc sống”; tuyên truyền trên Báo Bắc Kạn các nội dung liên quan đến phòng, chống BLGĐ bình quân 02 chuyên mục/quý.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, các hoạt động giao lưu, Hội thi nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Diễn đàn “Lắng nghe Phụ nữ, Trẻ em nói”, “Xin hãy hiểu con”, giao lưu hái hoa dân chủ tìm hiểu về hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm vợ; xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… có 96.582 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 10.169 buổi thu hút 407.266 lượt hội viên tham gia; phối hợp xây dựng được 48 chuyên mục “Nông dân Bắc Kạn” phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, 96 chuyên mục “Nông dân với Hội – Hội với Nông dân” đăng trên Báo Bắc Kạn; xây dựng và duy trì 05 mô hình “Người cha trách nhiệm” với 240 thành viên tham gia.
Sở Tư pháp cấp phát hơn 200 bộ tài liệu đề cương tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho Báo cáo viên, cấp phát cho 1.392 ngăn sách pháp luật ở thôn, bản, tổ phố trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh xây dựng chương trình hỏi – đáp pháp luật phát sóng vào thứ 3 và thứ năm hàng tuần; biên soạn và cung cấp tài liệu tuyên truyền về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình cho chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, đồng thời gửi tài liệu cho Phòng Tư pháp cấp huyện tuyên truyền tại Đài Truyền hình cấp huyện và thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, đúng định hướng, bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách về người có công, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội; lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới được quan tâm thực hiện góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác gia đình và trẻ em cho 300 lượt cán bộ chiến sĩ công an đơn vị, địa phương. Tổ chức hội nghị biểu dương “Gia đình Công an tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội thi “Con yêu mẹ – Chiến sỹ công an”; xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững giai đoạn 2017-2021 trong phụ nữ Công an tỉnh.
Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh chuyển tải hàng trăm tin, bài, phóng sự phản ánh về công tác gia đình trong chương trình thời sự đến với khán, thính giả trên địa bàn toàn tỉnh; lồng ghép tuyên truyền trong các chuyên mục như chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống”, “Khách mời trường quay”, “Chung tay vì mái ấm gia đình”, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình phát trên sóng truyền hình… nhằm tuyên truyền về công tác gia đình, phụ nữ, trẻ em. Tập trung tuyên truyền trong những đợt cao điểm như ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục về xây dựng gia đình hạnh phúc; triển khai Chương trình giáo dục đạo đức lối sống gia đình đến năm 2020; Đề án “Phát huy giá trị mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc đến năm 2020”; Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020”… góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về phát triển gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” còn có những khó khăn như tỉnh không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Đề án liên tục theo giai đoạn, do vậy việc nhân rộng, duy trì các mô hình không được triển khai thực hiện, hiệu quả Đề án chưa thật sự thiết thực. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo chuyên ngành và phải kiêm nhiệm, phụ trách nhiều lĩnh vực. Nhận thức về vai trò trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác gia đình còn hạn chế. Hiện nay giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp, sự xung đột giữa các thành viên trong gia đình về lối sống, việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới đặc biệt là vẫn đề bạo hành trong gia đình. Công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn, một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, một bộ phận lớp trẻ có dấu hiệu xuống cấp về đạo đức, lối sống.