Ngày 18 tháng 8 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Báo cáo số 119/BC-UBND về việc tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 96,1%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 86,6%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 100%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của tỉnh 22 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 98,1%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 100% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ (Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ /tổng số xã/phường/thị trấn trên địa bàn cấp tỉnh đạt 95,1% và Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL/tổng số xã/phường/thị trấn có các Mô hình có nội dung hoạt động về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đạt 100%).
Về hạn chế, tồn tại, khó khăn như: Một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát, kịp thời đến việc triển khai thực hiện Chương trình PCBLGĐ. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, liên tục nên chất lượng, hiệu quả các hoạt động chưa cao.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các văn bản thi hành Luật PCBLGĐ còn chưa sâu, hình thức tuyên truyền chưa đổi mới, do đó người dân tại một số địa phương, đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung, Luật PCBLGĐ nói riêng. Công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình còn hạn chế, việc phát hiện, xử lý, thống kê báo cáo các hành vi vi phạm BLGĐ có nơi, có lúc chưa kịp thời. Các biện pháp xử lý mới chú trọng tới biện pháp hành chính, tư pháp; công tác trợ giúp, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình nhiều nơi chưa thực sự tìm ra những nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến vụ việc để tư vấn, hòa giải thích hợp, có hiệu quả. Mặc dù đã giảm thiểu về số lượng và mức độ nguy hiểm nhưng bạo lực gia đình vẫn đang tồn tại trong cuộc sống với những hình thức khác nhau, để lại hậu quả về thể chất, tinh thần của nạn nhân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, đến các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như sự bền vững của gia đình. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu đồng bộ. Nội dung sinh hoạt và hoạt động các CLB, Nhóm PCBLGĐ chất lượng chưa cao, chưa thực sự thu hút được sự tham gia của các thành viên gia đình và cộng đồng.