Về kết quả đạt được: Công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh được triển khai khá đồng bộ; 100% các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được Ban Chỉ đạo, quy chế hoạt động và có kế hoạch triển khai thực hiện công tác gia đình năm 2019; các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 126 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 1.011 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1.059 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 805 cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, 755 cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và 2.094 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình nắm bắt được nhiều thông tin về gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình, để từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình đều chăm lo làm ăn, nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đáng kể.
Về hạn chế, nguyên nhân: Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở đều kiêm nhiệm nên kết quả thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế nhất định, hiệu quả chưa cao, cụ thể công tác báo cáo chưa kịp thời, công tác thống kê, tổng hợp số liệu chưa chính xác, thiếu thông tin; Kinh phí nhà nước để đảm bảo cho tổ chức các hoạt động về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương, nhất là ở các huyện miền núi còn hết sức hạn hẹp nên chưa tổ chức được nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.