Theo định nghĩa của Liên hợp quốc trong Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người (Nghị định thư Palermo), mua bán người được định nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bất công, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai lấy hoặc lấy các bộ phận cơ thể (United Nations, 2000)
Mỗi năm trên thế giới có khoảng gần một triệu người bị mua bán, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nghiên cứu của Mattar (2006) cho rằng mua bán người cần được nhìn nhận như một loại tội phạm chống lại cá nhân bởi nó đe dọa đến an ninh con người. Theo Giguere (2013), mua bán người được xem như một mối nguy cơ mang tính xuyên quốc gia và nó đe dọa không chỉ an ninh của các cá nhân mà còn tác động đến quốc gia là nơi đi và nơi đến của các nạn nhân dưới nhiều góc độ khác nhau. Nghiên cứu này đã chỉ ra một số ảnh hưởng của tình trạng mua bán người. Về mặt xã hội, mua bán người gây ra ảnh hưởng đến các gia đình và cộng đồng ở lại phía sau (gia đình và cộng đồng của nạn nhân) và các mối quan hệ giới nơi nạn nhân đến bởi nạn nhân của mua bán người thường là phụ nữ và bị mua bán để khai thác tình dục. Về mặt kinh tế, khi con người phải di cư để tìm kiếm cơ hội làm việc và khi bị mua bán thì họ thường bị mất đi số tiền đặt cọc/tiền gửi. Về mặt sức khỏe, nhiều phụ nữ và trẻ em bị mua bán để bóc lột tình dục sẽ có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục và lây truyền các bệnh này cho nhiều người khác. Ngoài ra, những nạn nhân này cũng bị tổn hại cả về thể chất và tinh thần.
Nhiều tổ chức quốc tế trong những năm gần đây đã có những báo cáo phản ánh tình trạng mua bán người trên thế giới. Báo cáo toàn cầu về mua bán người của Liên hợp quốc năm 2018 (UNODC, 2018) đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về tình hình mua bán người ở các khu vực trên thế giới và đem đến hiểu biết sâu sắc hơn về nạn nhân của mua bán người (bao gồm đặc điểm của họ và những hình thức mà họ bị bóc lột). Báo cáo về mua bán người của cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ ( Department of State, 2018) đã xếp hạng cấp quốc gia theo bốn tầng bậc dựa trên sự đáp ứng các quy định trong Đạo luật bảo vệ nạn nhân mua bán người (được xây dựng phù hợp với Nghị định thư Palermo). Theo đó, Việt Nam ở tầng bậc thứ 2 – nhóm quốc gia trong đó chính phủ đang đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ buôn bán người. Báo cáo này cho rằng Việt Nam đã sử dụng các tiêu chí xác định bệnh nhân theo Sáng kiến Bộ trưởng Mêkông phối hợp chống buôn bán người và có các thủ tục để xác định nạn nhân nhưng cần có những cơ chế mang tính chủ động và được sử dụng rộng rãi đối với nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ bị mua bán với mục đích mại dâm, lao động nhập cư về từ nước ngoài và lao động trẻ em.