Trong mỗi chúng ta, khi nói đến Gia đình mỗi người đều dành những tình cảm thiêng liêng cao quý, thân thiết nhất, tại sao vậy? bởi gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Mỗi con người, từ khi sinh ra, trưởng thành và đến khi từ biệt cõi đời đều mong muốn được gắn bó với gia đình. Không có một cộng đồng nào, tổ chức nào có thể mang lại tình cảm ấp áp, sâu sắc và thiêng liêng cho con người bằng tổ ấm gia đình, nơi đó chứa đựng tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em được gắn kết, gây dựng, vun đắp của các thành viên trong gia đình với nhau, tạo nên môi trường văn hóa gia đình, giúp các thành viên cân bằng tâm – sinh lý, nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc và căng thẳng, nơi những người thân yêu trong gia đình được gần gũi, chia sẻ, an ủi về mặt tình cảm, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo và thực hiện các chức năng khác của gia đình.
Ngày nay khi xã hội càng phát triển, khoảng cách về thế hệ trong các gia đình ngày một lớn hơn, để thu hẹp được khoảng cách thế hệ này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định 4843/QĐ-BVHTTDL ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, khắc phục các vấn nạn trong hôn nhân gia đình đang có xu hướng gia tăng. Trong Quý II năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện giới thiệu bộ tiêu chí trên cho cán bộ làm công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.
Bộ tiêu chí ứng xử này được áp dụng cho các thành viên trong gia đình. Tiêu chí ứng xử chung là: Tôn trọng, Bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó Tôn trọng là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau. Bình đẳng là nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Yêu thương là có tình cảm gắn bó thân thiết, quan tâm chăm sóc nhau. Chia sẻ là cùng nhau vun đắp tình cảm, san sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.
– Tiêu chí quy định cách ứng xử trong quan hệ Vợ chồng Chung thủy; nghĩa tình. Đối tượng áp dụng là vợ chồng được pháp luật công nhận theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Nội dung cụ thể: Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; Chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau.
– Tiêu chí quy định cách ứng xử trong quan hệ Cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu; Yêu thương. Đối tượng áp dụng là Cha mẹ bao gồm: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; Ông bà bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại. Nội dung cụ thể: Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; Quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết.
– Tiêu chí quy định cách ứng xử trong quan hệ Con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo; Lễ phép. Đối tượng áp dụng Con bao gồm: con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể. Cháu bao gồm: cháu nội, cháu ngoại. Nội dung cụ thể: Con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu.
– Tiêu chí quy định cách ứng xử trong quan hệ Anh, chị, em: Hòa thuận; Chia sẻ. Đối tượng áp dụng là Anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha. Anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Nội dung cụ thể: Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị; Cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc, bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Việc giới thiệu bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp, nhất là cán bộ ở cơ sở, là một việc làm cần thiết trước khi bộ tiêu chí được triển khai nhân rộng. Để Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai thực hiện và thực sự đi vào đời sống nhân dân cần phải có sự quan tâm và đầu tư hơn nữa của các cấp ủy, Đảng, các cơ quan, ban, ngành và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình.
nguồn Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình