Sinh thời, khi nói về gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến gia đình, coi đây là yếu tố cấu thành xã hội, là nền tảng đảm bảo thành công và cũng là động lực của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới (1986-2018), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình Việt Nam. Vai trò của gia đình Việt Nam ngày càng được khẳng định như một nhân tố thiết yếu bằng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và những giá trị nhân văn tiến bộ của nhân loại làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay trên địa bàn cả nước có 23.640.000 hộ gia đình, trong đó đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta gồm 5.259 xã, ở 457 huyện, thuộc 52 tỉnh, thành phố, với 13,4 triệu người, sinh sống chủ yếu ở nơi khó khăn nhất, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, đất rộng, người thưa. Hiện có 2.400 xã, 3.100 thôn, bản đặc biệt khó khăn. (Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, giải trình trước Quốc hội các nội dung liên quan đến thực trạng kinh tế – xã hội, các chủ trương, giải pháp lớn về đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi)
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác dân tộc, công tác xây dựng gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đặc biệt được chú trọng. Bên cạnh những mục tiêu, chỉ tiêu chung, với những gia đình vùng dân tộc thiểu số, công tác gia đình còn hướng tới mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và các kiến thức, kỹ năng trong xây dựng, tổ chức đời sống gia đình; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bằng với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Trong đó lĩnh vực gia đình được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa gia đình nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung; coi văn hóa gia đình là một bộ phận khăng khít của văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền gồm 01 Nghị quyết, 03 Nghị định, Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, 02 Chỉ thị, 05 Đề án cấp quốc gia và rất nhiều các văn bản do lãnh đạo Bộ ban hành nhằm hỗ trợ, phát triển và xây dựng gia đình Việt Nam. Đặc biệt là Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 . Chiến lược này đặt ra mục tiêu cụ thể đối với gia đình và công tác gia đình đến 2020, đó là (1): Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; (2) Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; (3) Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định. Một giải pháp quan trọng để thực hiện được mục tiêu của Chiến lược là Thực hiện các chính sách, chương trình về an sinh xã hội, trong đó có: “Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống”. Như vậy, việc hỗ trợ xây dựng các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa trong các văn bản đề án. Tính đến nay 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chiến lược này. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030. Bộ đã đánh giá, về cơ bản các tỉnh, thành đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược. Đời sống các gia đình nói chung, gia đình dân tộc thiểu số nói riêng không ngừng được nâng cao. Cụ thể:
Chỉ tiêu 5 (Mục tiêu 1): Hằng năm trung bình giảm 15% (khu vực khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số) hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định (có 23 tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu).
Chỉ tiêu 1 (Mục tiêu 2): 80% trở lên (khu vực khó khăn và đồng bào các dân tộc thiểu số) hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (31 tỉnh báo cáo đạt và vượt chỉ tiêu – chủ yếu là các tỉnh phía Nam)
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Vụ Gia đình cũng quan tâm, hỗ trợ các gia đình dân tộc thiểu số thực hiện chức năng của gia đình. Cụ thể như việc lựa chọn địa bàn thí điểm thực hiện Chương trình phối hợp với phụ nữ về công tác gia đình, thí điểm Bộ tài liệu giáo dục đời sống gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Vụ đều có sự lựa chọn địa bàn, ưu tiên những tỉnh còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Trong xây dựng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, Vụ Gia đình cũng rất chú trọng đến việc gắn với tổ chức các hoạt động nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4. Coi đây là một dịp quan trọng để tuyên truyền về vai trò của gia đình với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của gia đình đồng bào dân tộc. Hàng năm trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của công tác gia đình, Vụ đều hướng dẫn, chỉ đạo địa phương lồng ghép tuyên truyền việc thực hiện công tác gia đình gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của ngành trên cơ sở thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, vào Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2013, Vụ Gia đình đã phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện các thanh niên dân tộc thiểu số của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hội thảo đã chia sẻ những kết quả đạt được, những khó khăn và đề xuất kiến nghị với việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình trong thanh niên. Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Vụ Gia đình thực hiện tốt hơn, sâu sát hơn công tác xây dựng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của thanh niên dân tộc thiểu số trong việc xây dựng gia đình, gìn giữ truyền thống dân tộc.
Các địa phương cũng lồng ghép nội dung về xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, bền vững với các hoạt động nhân Ngày 19/4. Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc Việt Nam gắn với xây dựng gia đình vùng dân tộc thiểu số.