Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện Giồng Riềng luôn quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ trên địa bàn huyện.
Trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ (2008 – 2018) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Kim Nương, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện Giồng Riềng cho biết: Sau khi tiếp thu Luật PCBLGĐ và Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 29/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 30/7/2016 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ trên địa bàn huyện Giồng Riềng giai đoạn 2016 – 2020; các Kế hoạch thực hiện hằng năm.
Về mô hình PCBLGĐ, ngay từ khi triển khai, thi hành Luật PCBLGĐ, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn mỗi xã, thị trấn rà soát, xây dựng ít nhất 01 mô hình hoạt động có hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến nhân rộng. Thực hiện lồng ghép công tác PCBLGĐ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới… Năm 2008, huyện Giồng Riềng thí điểm thành lập các mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm 06 Câu lạc bộ (CLB) PCBLGĐ và 06 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Sau thời gian đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đến nay toàn huyện có 28 CLB (trong đó có 19 CLB PCBLGĐ; 05 CLB gia đình phát triển bền vững và 04 CLB gia đình hạnh phúc với 593 thành viên), mỗi CLB có từ 20 – 25 thành viên, duy trì sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. Năm 2013, huyện Giồng Riềng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn xây dựng thí điểm 19 địa chỉ tin cậy cộng đồng phục vụ công tác can thiệp, hỗ trợ, bố trí nơi tạm lánh kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Đồng chí Nguyễn Kim Nương cho biết thêm: Cùng với 19 địa chỉ tin cậy cộng đồng được bố trí ở 19 xã, thị trấn, đã thiết lập 19 đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận phản ánh của nhân dân khi có các vụ việc bạo lực gia đình hoặc có dấu hiệu bạo lực gia đình xảy ra tại cơ sở. Năm 2008 huyện chưa có Nhóm PCBLGĐ, đến nay thành lập được 21 Nhóm. Các CLB và Nhóm PCBLGĐ đều xây dựng quy chế hoạt động, duy trì sinh hoạt hàng quý và phát hiện, can thiệp, hòa giải kịp thời các vấn đề mâu thuẫn trong gia đình.
Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các CLB, Nhóm PCBLGĐ nắm rõ từng nội dung liên quan, khảo sát những hộ gia đình có nguy cơ cao xảy ra bạo lực gia đình để phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo xã, thị trấn cùng với CLB và Nhóm PCBLGĐ theo dõi, hỗ trợ, ngăn ngừa, can thiệp sớm, tránh xảy ra những vụ bạo lực gia đình phức tạp; đồng thời, thông tin rộng rãi trên hệ thống truyền thanh các số điện thoại, đường dây nóng, địa chỉ tin cậy để báo tin các trường hợp bị bạo lực gia đình.
Từ năm 2008 đến năm 2018 số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn huyện Giồng Riềng là 255 vụ (106 vụ bạo lực về tinh thần, 116 vụ bạo lực về thân thể, 01 vụ bạo lực về tình dục, 32 vụ về kinh tế); riêng năm 2018 số vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể, còn 06 vụ. Nạn nhân bị bạo lực gia đình được chăm sóc tại cơ sở y tế là 176 người. Các Tổ hòa giải đã tiếp nhận 255 trường hợp, trong đó hòa giải thành 194 vụ, đạt 76,08%, hòa giải không thành chuyển về trên 61 vụ, chiếm 23,92%, đặc biệt là đã hòa giải thành công 71 cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn trở lại đoàn tụ gia đình. Tiếp nhận kịp thời 57 nạn nhân bị bạo lực gia đình đến cơ sở y tế tạm lánh và được điều trị thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; có 37 người tạm lánh tại địa chỉ tin cậy cộng đồng. Có 03 người gây bạo lực gia đình bị xử lý hình sự; 59 vụ xử lý hành chính bằng tiền; 49 vụ xử phạt hành chính bằng biện pháp cảnh cáo; có 58 trường hợp áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn.
Các CLB phối hợp với các Nhóm PCBLGĐ và Tổ hòa giải ấp, khu phố đưa 102 trường hợp tổ chức họp góp ý trong cộng đồng dân cư về hành vi bạo lực gia đình, từ đó giúp các đối tượng có sự chuyển biến tốt, biết sửa chữa lỗi lầm đã gây ra đối với gia đình, góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra, khảo sát 02 lần/năm tại các xã, thị trấn về công tác ghi chép thông tin về gia đình, PCBLGĐ; kiểm tra nội dung, chất lượng, thời gian, phương pháp hoạt động của các CLB gia đình phát triển bền vững, Nhóm PCBLGĐ và địa chỉ tin cậy cộng đồng. Sau khi kết thúc đợt kiểm tra đều có đánh giá những mặt làm được để phát huy, nhân rộng; kịp thời uốn nắn những mặt còn hạn chế, yếu kém và đề ra biện pháp thực hiện./.
Khánh Sơn (nguồn: svhtt.kiengiang.gov.vn)