Thực hiện Điều 34 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập trung triển khai thi hành Luật. Kết quả triển khai Luật của các cấp Hội đã tác động, ảnh hưởng và đóng góp tích cực vào kết quả phòng, chống bạo lực gia đình của các địa phương. Đại đa số tỉnh/thành Hội và các cấp Hội đã thể hiện rõ vai trò chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Các hoạt động Hội đã tác động đến sự thay đổi có chiều hướng tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi của người dân trong cộng đồng (đặc biệt là nam giới) đối với vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã đến với tổ chức Hội để mạnh dạn đưa ra những vụ bạo hành gia đình mà họ đã cam chịu và đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ giúp đỡ về sức khoẻ, tinh thần trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong các cấp Hội còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Tồn tại, hạn chế
Sự phối hợp giữa các ban ngành có liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo song hiệu quả phối hợp chưa cao, ở một số địa phương đôi khi còn mang tính hình thức. Có một số vụ việc bạo lực gây nguy hiểm đến tính mạng cho phụ nữ, trẻ em xảy ra ngay ở địa phương mình, nhưng cán bộ chưa nắm bắt kịp thời để bảo vệ nạn nhân.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chưa sâu và thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng. Hoạt động tuyên truyền mới dừng ở đối tượng hội viên, phụ nữ, chưa thu hút được các thành viên khác trong gia đình tham gia. Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình chưa triển khai đến đa số các đối tượng gây ra bạo lực.
Hoạt động thực hiện chức năng đại diện của Hội chủ yếu tập trung ở cấp TW. Vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các đối tượng phụ nữ đặc thù (phụ nữ di cư, phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực gia đình, nữ phạm nhân…) chưa thật sự hiệu quả.
Một số bài học kinh nghiệm
Một là, các cấp Hội cần thực hiện nghiêm túc vai trò, trách nhiệm theo quy định của Luật, trong đó tập trung vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thành các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và xây dựng Địa chỉ tin cậy cộng đồng; phòng, chống bạo lực gia đình cần được lồng ghép triển khai với các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người và các chương trình về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe trong gia đình, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”.
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa Hội với các ngành Công an, Tư pháp, Văn hóa, Lao động – Thương binh và Xã hội và một số ngành liên quan khác ở nhiều địa phương trong công tác phổ biến luật, tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Ba là, các cấp Hội cần tiếp tục thể hiện ngày càng tốt hơn vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình; tham gia giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chủ động hơn trong tham mưu với cấp ủy triển khai các hoạt động về phòng chống bạo lực gia đình.