Từ xa xưa, trong ý thức hệ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam gia đình bao giờ cũng được coi là tổ ấm, là môi trường đầu tiên làm phát sinh, nuôi dưỡng thể lực, trí lực và những tình cảm trong sáng, tốt đẹp hình thành nên nhân cách con người Việt Nam. Gia đình được lịch sử sắp đặt ở vào vị trí trung tâm của mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng xã hội. Trước khi trở thành con người xã hội thì con người cá nhân trước hết phải là sản phẩm của gia đình, được gia đình nuôi dưỡng, giáo dục. Gia đình cũng là nơi thường diễn ra cuộc đấu tranh nội tại giữa cái thiện, cái ác trong từng cá nhân và giữa các thành viên với nhau trong gia đình, đôi khi vấn đề này trở thành những xung đột gay gắt, nhưng lại là điều cần thiết nhất trong quá trình đấu tranh tự hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện tổ ấm. Mặt khác, gia đình có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, gìn giữ, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Như vậy, nhận thức rõ vị trí, vai trò của gia đình trong giai đoạn hiện nay chính là khẳng định tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình văn hóa trong việc hình thành con người của xã hội tương lai, là điều kiện thuận lợi cho các cá nhân học tập, rèn luyện và phát triển những phẩm chất đạo đức, vun đắp tình yêu thương, yêu lao động, khám phá ra những tri thức mới, ý tưởng mới, sáng tạo mới, có ý thức độc lập tự chủ. Đặc biệt, gia đình còn trang bị cho mỗi người những kỹ năng sống – yếu tố giúp cá nhân thích ứng và hòa mình vào sự vân động và phát triển của xã hội.
Gia đình đảm nhận các chức năng cơ bản đặc thù của mình: sinh sản, giáo dục, kinh tế, thỏa mãn nhu cầu tình cảm, góp phần duy trì sự tồn tại và ổn định của xã hội, xây dựng lối sống văn hóa, phong tục tập quán. Chính vì vậy, quá trình xây dựng gia đình văn hóa hiện nay không phải để bảo vệ, duy trì mà còn phát triển, biến những chức năng này thành sức mạnh, nền tảng, tiêu chí quan trọng hàng đầu trong xây dựng gia đình văn hóa. Sự biến đổi về quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình cũng dẫn đến nhiều biến đổi về hệ giá trị gia đình. Việc đưa tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới vào gia đình ở một quốc gia vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo như ở nước ta đã tạo điều kiện về mặt pháp lý để nâng cao vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc quyết định vấn đề quan trọng của gia đình, mạnh dạn bước ra khỏi cánh cửa gia đình để tham gia và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. Cùng với việc ký kết và tham gia thực hiện các quyền trẻ em, sự hiện diện của trẻ em trong gia đình không còn là một thứ “tài sản” của riêng gia đình mà là nguồn lực tương lai của xã hội. Trẻ em được toàn xã hội chăm sóc và bảo vệ, có được các quyền cơ bản mà trong gia đình và ngoài xã hội cha mẹ chúng cũng như cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm thực hiện… Bên cạnh đó, những định hướng về tình yêu, hôn nhân cũng có những biến đổi, tuổi kết hôn được nâng cao khiến cho thế hệ trẻ có điều kiện kéo dài thời gian học tập, tích luỹ để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, việc tự do trong tình yêu và hôn nhân được sự tôn trọng và đảm bảo của pháp luật, tạo điều kiện để củng cố tình cảm gia đình.
Mặt khác, gia đình Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, có nguy cơ mất đi tính bền vững vốn có. Trong nhận thức của người Việt về xây dựng văn hóa gia đình mới – gia đình văn hóa thường có sự nhầm lẫn, sự ngộ nhận khi đem đối lập quá khứ với hiện tại. Những chuẩn mực được coi là nền tảng của gia đình trước kia thường bị gộp vào với các yếu tố lạc hậu để phê phán mà không phân biệt đâu là yếu tố tích cực cần sự ổn định, đâu là yếu tố tiêu cực cần phải biến đổi, vô hình trung đã đoạn tuyệt, đã cắt đứt với truyền thống. Chẳng hạn, quan hệ trong nhiều gia đình ngày nay trở nên lỏng lẻo, tình cảm phai nhạt, con cái không tôn trọng bố mẹ, gia đình bị đổ vỡ, con cái bất hiếu, thậm chí hỗn xược, đánh đập, giết hại cha mẹ; người lớn không quan tâm, buông trôi trách nhiệm trong việc chăm nom dạy dỗ con trẻ; vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống chung, sống thử trở thành một thách thức không nhỏ đối với các bậc cha mẹ và các nhà quản lý chính quyền, đoàn thể; ly hôn gắn liền với nguyên nhân xung đột gia đình, hiện tượng ngoại tình, lừa dối về tình cảm… để lại những hậu quả xấu với tâm lý, tình cảm và chăm sóc giáo dục con cái. Đe dọa sự bền vững của gia đình, trái với tâm lý, đạo đức truyền thống; lối sống thực dụng đang gặm nhấm những giá trị vốn được coi là thiêng liêng, bất khả xâm phạm của người Việt. Đây chính là lực cản lớn nhất đối với quá trình xây dựng gia đình văn hóa hiện nay.