Việc thực hiện các vai trò và chức năng của gia đình trong phòng, chống XHTD trẻ em chịu trách nhiệm của nhiều yếu tố đan xen nhau, từ cấp độ vi mô đến trung mô và vĩ mô. Lý thuyết hệ thống sinh thái xã hội (Theory of Ecological Systems) hay còn được gọi là Mô hình sinh thái xã hội (Ecological Models) được vận dụng khá phổ biến (bên cạnh nhiều lý thuyết khác) trong phân tích và lý giải các yếu tố tác động đến việc thực hiện các trách nhiệm của gia đình trong thực hiện quyền trẻ em nói chung và quyền bảo vệ trẻ em nói riêng. Mô hình sinh thái xã hội được vận dụng để phân tích và lý giải các yếu tố tác động đến việc thực hiện chức năng của gia đình trong bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại thuộc ở 5 cấp độ thuộc hệ thống ảnh hưởng.
Mô hình sinh thái xã hội giúp xem xét vấn đề thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em của gia đình trong bối cảnh rộng lớn, ở các cấp độ, thuộc từ cấp độ thuộc hệ thống vi vô/cá nhân của bản thân cha mẹ/người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ em, tới các cấp độ liên cá nhân, cấp độ thể chế (hệ thống dịch vụ cơ bản, các cơ sở giữ trẻ, trường học), cấp độ cộng đồng (mạng lưới xã hội, chuẩn mực xã hội, dịch vụ xã hội); cấp độ vĩ mô (chính sách, luật pháp, thể chế, chuẩn mực văn hóa, bình đẳng giới, dân tộc…).
Các nghiên cứu hiện có ở Việt Nam đã chỉ ra những tác động khá rõ nét đối với việc thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em của gia đình ở các cấp độ. Ở cấp độ cá nhân các yếu tố như tuổi, học vấn, trình độ văn hóa, đặc điểm tính cách cha mẹ có mối liên hệ rõ nét tới mô hình chăm sóc trẻ em, mối quan tâm tới sự phòng ngừa các yếu tố nguy cơ đối với cuộc sống của trẻ em. Bên cạnh đó, các yếu tố ở cấp độ liên cá nhân như sự sẵn có của các dịch vụ xã hội cơ bản, mối quan tâm và sự phối hợp của nhà trường với gia đình, thể chế chính sách, luật pháp liên quan đến bảo vệ trẻ em và các vấn đề của xã hội hiện đại cũng thể hiện sự ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em của gia đình, cũng như các nhận thức về quyền và luật pháp liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Nghiên cứu gần đây nhất do Viện NC Gia đình và Giới chủ trì (2016) cung cấp những bằng chứng cho thấy các yếu tố độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp của cha mẹ và mức sống, khu vực sinh sống của gia đình tác động đáng kể tới nhận thức của cha mẹ về các quy định cũng như các luật liên quan đến quyền và luật pháp liên quan đến trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng. Theo đó, cha mẹ dưới 40 tuổi, có trình độ học vấn cao đẳng/đại học, là cán bộ viên chức, ở các gia đình có mức sống khá và sống ở khu vực đô thị có nhận biết đầy đủ hơn về quyền và luật pháp liên quan đến trẻ em so với các nhóm cha mẹ khác. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng như tivi, đài có tác động quan trọng tới nhận thức của gia đình về các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Một số vấn đề về biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay và các ảnh hưởng tới các chức năng của gia đình cũng đang là vấn đề rất được quan tâm trong các nghiên cứu về biến đổi chức năng gia đình và nghiên cứu vai trò của gia đình đối với các vấn đề bảo vệ trẻ em. Theo Lê Ngọc Văn (2011), những biến đổi đa dạng về cấu trúc và chức năng của gia đình của những nước công nghiệp hoá đã khiến nhiều gia đình không thích ứng và không kiểm soát được các mối quan hệ, dẫn đến tình trạng mà các nhà xã hội học gọi là rối loạn cấu trúc, rối loạn chức năng gia đình và khủng hoảng gia đình, trong đó, vấn đề trẻ em không được chăm sóc đầy đủ là một trong những vấn đề đáng quan tâm về chức năng của gia đình.
Những quan điểm mang tính lý luận như trên đã đề cập chỉ là một vài vấn đề lý luận đáng quan tâm trong các thảo luận về vai trò của gia đình trong phòng chống XHTD trẻ em được xem xét từ một số hướng tiếp cận. Trong khi những quan điểm này có thể gợi lên một vài vấn đề quan trọng giúp tìm hiểu vai trò của gia đình Việt Nam trong phòng, chống XHTD trẻ em và các yếu tố tác động, thì việc xem xét vai trò của gia đình trong thực hiện các trách nhiệm đối với bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bị XHTD đòi hỏi cần được xem xét trên nhiều góc độ, chiều cạnh và các cách tiếp cận khác nữa, nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vai trò của gia đình trong bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi ở Việt Nam hiện nay. Phần tiếp theo của báo cáo này sẽ trình bày một số vấn đề đáng quan tâm về việc thực hiện các vai trò và trách nhiệm của các gia đình trong phòng, chống XHTD trẻ em những năm gần đây.