Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt nghiêm trọng. Đó là phương tiện không thể thiếu để đảm bảo sự tồn tại, sự vận hành bình thường cho xã hội nói chung và nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là công cụ pháp lý hữu hiệu mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển ý thức đạo đức, lành mạnh hóa đời sống của con người trong đời sống xã hội, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tiến bộ đồng thời bồi đắp nên những giá trị văn hóa mới phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Cùng với tầm quan trọng đó thì pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng mang một giá trị pháp lý cao trong đời sống xã hội. Việc bổ trợ thêm cho nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng nhằm tạo sự ổn định xã hội, thì pháp luật quy định thêm vợ chồng phải có nghĩa vụ chung thủy với nhau, bên cạnh sự ổn định của gia đình về mặt cấu trúc một vợ một chồng thì trong đời sống vợ chồng cần có sự chung thủy, yêu thương và tin tưởng lẫn nhau. Ông bà ta có câu: “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương” Nếu nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là quy định của pháp luật thì nghĩa vụ chung thủy được Luật quy định. Bên cạnh về mặt lập pháp thì đó cũng là quy định về khía cạnh đạo đức cần phải có trong cuộc sống hôn nhân của vợ chồng, và cũng là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam ta đó là lòng chung thủy. Mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy trong nền kinh tế hội nhập và sự tràn lan một lối sống thực dụng ích kỉ, làm lu mờ đi giá trị văn hóa đạo đức của văn hóa truyền thống vốn có. Theo quan niệm truyền thống, chung thủy có nghĩa là chỉ có một bạn tình duy nhất trên mọi phương diện tình cảm, tình dục và tâm lý. Trong một giai đoạn lịch sử khá dài, khi hôn nhân được xây dựng trên những nền tảng hay mục đích khác ngoài tình yêu (như vì lí do môn đăng hộ đối, chuyển giao tài sản), thì chỉ có người phụ nữ là bị buộc phải nêu gương tiết hạnh nếu không muốn bị trừng phạt, đày đi biệt xứ, bỏ tù hay thậm chí tử hình.
Đến giữa thế kỉ XX việc ngoại tình dù là từ phía người chồng hay người vợ đều đã được xét xử bình đẳng trước pháp luật. Trước đó, việc một người phụ nữ ngoại tình sẽ bị tòa án coi là phạm tội trong khi với trường hợp của nam giới, họ chỉ bị “khiển trách” từ phía gia đình. Còn thời nay thay vì là lý do “tiên quyết” thì việc ngoại tình cũng chỉ còn là một trong vô số những khúc mắc dẫn tới vợ chồng không còn quan tâm, tình nghĩa với nhau và dẫn tới ly thân hoặc ly hôn.
Có thể thấy, quan niệm về sự chung thủy đang biến đổi cùng với sự phát triển của xã hội. Thông qua đấu tranh, ngày nay phụ nữ đã có quyền tự do mới trong việc lựa chọn bạn tình, bạn đời để tiến tới hôn nhân. Hơn nữa, ngoại tình ở nữ giới giờ đây đã không còn là vấn đề cấm kị. Xã hội đã nhìn nhận vấn đề này thông thoáng hơn. Con người ngày càng xa rời các quy tắc đạo đức truyền thống nhiều hơn. Sự chung thủy không còn là sợi dây ràng buộc giữa hai vợ chồng nữa nếu như một trong hai người đã nảy sinh tình cảm và ham muốn với người thứ ba. Ngày nay khi cuộc sống lứa đôi được xây dựng trước hết dựa trên nền tảng tình cảm và cảm xúc, thì để duy trì gia đình, người ta buộc nhờ cậy nhiều hơn tới sự chung thủy. Tuy vậy số người có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân vẫn không ngừng tăng cao do nhu cầu cần thay đổi “không khí” và dung hòa giữa một cuộc sống hôn nhân phẳng lặng với sự hấp dẫn, phấn khích mà những cuộc phiêu lưu tình ái mang đến.