Giai đoạn hiện nay trước những thách thức lớn: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa, công nghệ truyền thông với các thiết bị hiện đại, mạng xã hội…), sự toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa, những tác động của cơ chế thị trường… các vấn đề gia đình đang bị tác động mạnh và được bộc lộ qua các mối quan hệ. Quan hệ vợ chồng, gia đình lỏng lẻo; tình trạng ngoại tình, tỷ lệ ly hôn cao; những bi kịch, thảm án gia đình do chính người thân gây ra; Người già cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc; trẻ em sống ích kỷ, ưa hưởng thụ, học đòi, không nghe lời cha mẹ, tính tự do cá nhân cao; xâm hại trẻ em trong gia đình (thậm chí ngay con của mình) chưa có chiều hướng giảm. Những giá trị truyền thống trong quan hệ vợ chồng, gia đình như đạo đức, tình yêu, lòng chung thủy, sự hiếu nghĩa, bao dung bị coi nhẹ…Sức ép từ cuộc sống hiện đại (thời gian ít, công việc căng thẳng, không ổn định..) khiến các mối quan hệ gia đình trở nên khó khăn với một số người.
Mặt khác, những cơ hội để khám phá và phát huy năng lực cá nhân ngày càng mở rộng dẫn đến việc nhiều người mải mê theo đuổi sự nghiệp mà quên mất sự chia sẻ, quan tâm đến những người thân, làm cho chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình, sự gắn bó trong quan hệ gia đình giảm sút.
Một trong những biểu hiện nổi bật nhất của các mối quan hệ gia đình là yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm. Giáo dục đạo đức, xây dựng gia đình hòa thuận, hiếu thảo, yêu thương, đùm bọc… từ các quan hệ tốt đẹp của gia đình không chỉ tạo dựng nên tổ ấm thực sự mà còn tạo nên các quan hệ lành mạnh bên ngoài gia đình. Đây chính là cơ sở là gốc rễ để tạo dựng một xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng, hạnh phúc; một đất nước thịnh vượng và văn minh.