Như chúng ta đã biết gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của mỗi con người. Bất cứ ai, ở địa vị nào nếu có được nền tảng giáo dục tốt sẽ có những cách ứng xử phù hợp với cộng đồng, đồng thời lan tỏa được nhiều thông điệp ý nghĩa từ cuộc sống. Vì thế việc xây dựng nền tảng văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình là vấn đề then chốt để xây dựng một cộng đồng, một xã hội giàu giá trị nhân văn.
Và nếu chúng ta coi gia đình là nhóm xã hội đầu tiên mà mỗi người là thành viên thì từ xưa đến nay, vốn liếng chuẩn mực ứng xử của mỗi người đều bắt đầu từ sự tích lũy trong quá trình dạy bảo, trao truyền, học hỏi trong gia đình.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mọi trẻ em đều được chỉ bảo thái độ ứng xử với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác…; cách thức ăn mặc, nói năng, đi đứng,…; ý thức học hành, thái độ lao động, lựa chọn bạn bè,…; một số kỹ năng cần thiết cho cuộc sinh tồn về sau. Từ rất sớm trẻ em đã biết: “Chim có tổ, người có tông”, “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, “Một lòng thờ mẹ kính cha – Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”, , “Gọi vâng, bảo dạ con ơi – Vâng lời sau trước con thời chớ quên”, “Chị ngã, em nâng”, “Anh em như thể chân tay – Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài – Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”,… Lời dạy bảo thấm vào tâm trí, thành tâm niệm để khi lớn lên tham gia hoạt động xã hội, căn cứ vào tính chất của từng mối quan hệ mà lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp.
Gia đình chính là “bệ phóng văn hóa” để mỗi người đến với xã hội. Thực tế cho thấy các chuẩn mực ứng xử văn hóa trong gia đình chính là “tập” giá trị đầu tiên mà mỗi người thu nạp, sử dụng trong quan hệ gia đình, tộc họ. Khi các quan hệ xã hội mở rộng tới phạm vi láng giềng, tới các nhóm xã hội lớn hơn như làng, phố, trường học,… thì mỗi người lại phải thu nạp các chuẩn mực ứng xử mới để đáp ứng các yêu cầu của quan hệ mới. Và các lời răn dạy như “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Kính già, yêu trẻ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”,… tiếp tục được thu nạp, thể hiện trên phạm vi rộng hơn.
Cứ như vậy trong gia đình và xã hội Việt Nam truyền thống, các quan hệ ngày càng mở rộng, và mỗi người ngày càng phải đảm nhận nhiều vai trò xã hội hơn thì “tập” giá trị, chuẩn mực văn hóa ứng xử tích lũy được cũng dày hơn, đa dạng hơn, tương thích từng quan hệ cụ thể: Từ gia đình, láng giềng, bạn bè,… tới bạn nghề, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ, chính quyền, nhà trường quê hương, đất nước…
Mỗi con trẻ khi lớn lên, trưởng thành, bước vào cuộc sống hôn nhân, họ lại có trách nhiệm lo toan gia đình, dạy dỗ con cái. Do đó, mỗi cá nhân không chỉ là người thực hành mà còn là người truyền bá các khuôn mẫu, chuẩn mực ứng xử, đồng thời là người nêu gương về văn hóa ứng xử.
Việc mỗi người tiếp nhận, tạo lập cho bản thân “tập” giá trị có vai trò như bộ chuẩn mực ứng xử là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ với điểm xuất phát là gia đình. Nếu mỗi người tự giác tiếp nhận, thực hành các khuôn mẫu ứng xử trong gia đình, họ sẽ có các tập tính, thói quen cần thiết để tự giác tiếp nhận, thực hành các khuôn mẫu ứng xử mà cộng đồng làng, nước xác định, yêu cầu.
Có thể nói phẩm chất văn hóa của mỗi người thể hiện rất rõ ràng, cụ thể qua ứng xử của họ trong cộng đồng, vì thế cung cách ứng xử trở thành một phương diện để cộng đồng đánh giá mỗi người. Nên không ngẫu nhiên, muốn tìm hiểu người nào đó, tiền nhân thường quan tâm đến nền nếp gia đình, gia phong. Cũng từ những quy chuẩn ứng xử, nếp văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình mà mỗi cá nhân, cá thể sẽ đảm trách việc lan tỏa lối ứng xử tốt đẹp ra cộng đồng, xây dựng nét văn hóa đẹp trong cộng đồng dân cư, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Ngày nay, xã hội Việt Nam đã bước sang thời kỳ mới với sự xuất hiện, phổ biến, thịnh hành của rất nhiều quan niệm sống mới, nghề nghiệp mới, làm nảy sinh một số chuyển dịch trong ứng xử gia đình và xã hội, dần dà làm mai một, thậm chí thải loại một số quan niệm, chuẩn mực ứng xử không còn phù hợp. Thế hệ 4.0 đang dần dần lớn mạnh trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư, vì thế cha mẹ ông bà cần có những cách ứng xử phù hợp để lan tỏa giá trị truyền thống nhưng cũng biết cách hòa nhập với những suy nghĩ và cách thức ứng xử của con trẻ trong việc chia sẻ cảm xúc và khả năng độc lập của con trẻ.
Phải nói rằng tới hôm nay, sự xuất hiện của hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử đã và đang trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Để sớm khắc phục, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội nhằm củng cố, xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh. Và trong sự vào cuộc đó, nổi lên một vấn đề rất quan trọng là giáo dục ứng xử văn hóa trong gia đình – “bệ phóng văn hóa” đưa con người đến với xã hội…Cũng là bệ phóng đưa những nét văn hóa tốt đẹp trong gia đình ra cộng đồng dân cư, làng xóm, tiền đề để đẩy mạnh phong trào Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và văn minh đô thị.