Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó” hay “phụ từ, tử hiếu” như một quy luật, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại “quả đức” cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau “mạc nhi chủng phúc lưu tâm địa” (nghĩa là trồng vườn phúc ở trong lòng lưu lại cho đời sau).
Từ cách tiếp cận như vậy, bàn về vai trò của giáo dục gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống xây dựng nhân cách con người, chúng tôi thấy cần phải bắt đầu từ xây dựng nếp nhà, phát huy giá trị gia phong của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Đây có thể xem như là một cách thức để chúng ta, để mọi nhà chăm lo trước hết cho “phần làm người” của con cháu mình đồng thời cũng là lớp công dân tương lai của đất nước. Vì sao vậy?
“Gia phong” là thói nhà, nền nếp giáo dục của một gia đình, gia tộc, là sự hội tụ của các giá trị văn hoá, chuẩn mực giá trị đạo đức nếp sống, lối sống được sàng lọc qua thời gian và có giá trị lâu dài. Cốt lõi của “gia phong” luôn hướng tới hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung, tình nghĩa chồng vợ, anh em hoà thuận. Đó là những phẩm chất đầu tiên cần có ở một con người.
Nhìn dưới giác độ khoa học, có thể coi gia phong là một trong những thành tố tạo nên một thứ “thiết chế” vô hình của văn hoá gia đình, với tất cả các đặc tính riêng và chung. Trong gia đình có nền nếp gia phong thì cách thức hành xử của các thành viên từ việc “đi thưa về chào” của con cháu đến việc tận tuỵ, cần cù lao động xây đắp hạnh phúc gia đình của người lớn đều chuẩn mực. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không chỉ một chiều. Con cái hiếu kính với cha mẹ, ngược lại, cha mẹ luôn là tấm gương về sự hoà thuận, hiếu nghĩa, thủy chung, tận tụy thương yêu. Trong giáo dục gia đình, con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử… Phép tắc thưa gửi, tính cách thật thà, cần cù, tiết kiệm, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không văng tục… được trẻ học ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ bố mẹ của mình. Ông bà, bố mẹ cũng phải tự giáo dục phải biết vượt qua chính mình để có được trong mắt trẻ luôn nhận thấy ông bà, bố mẹ của nó là người tử tế, đáng kính … Sống và trưởng thành từ nếp nhà như vậy, những đứa trẻ của hàng chục năm về trước sau này sẽ là những người con tử tế trong gia đình, người công dân tử tế trong xã hội, người cán bộ, công chức, nhân viên…tử tế nơi làm việc.
Điểm thứ hai, chúng tôi cũng cho rằng, nội dung giáo dục gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ lưu truyền: “Trên kính, dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ là điều cần được coi trọng. Đây vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Việc giáo dục lòng hiếu kính phải trở thành một trong những nội dung quan trọng của giáo dục trong gia đình hiện nay. Không chỉ là sự vâng lời, tôn trọng cha mẹ mà điều cốt lõi là thể hiện ý thức trách nhiệm của con cái trong tu dưỡng nhân cách, biết ơn chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn thanh danh của gia đình. Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Con cái sống có đạo đức, có lễ phép, có ý thức chăm chỉ học hành để thành đạt về xã hội, có nghề nghiệp, có cuộc sống bình ổn,…cũng được coi là những hình thức báo hiếu đối với cha mẹ. Người mà không biết báo hiếu, không yêu thương biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục mình thì khó có thể yêu thương, biết ơn người khác được. Trước khi trở thành nhân tài hay một công dân, một người cán bộ tốt, thì ngay từ thơ bé, giáo dục gia đình phải dạy để đứa trẻ có tình cảm yêu thương, kính trọng cha, mẹ và những người thân thích ruột thịt của mình, không ăn cắp, dối trá, không nạt nộ, đánh đập người yếu hơn nhỏ hơn mình, biết yêu thương và giúp đỡ người không may mắn, biết quý trọng đồng tiền… Một gia đình mà có những người con như vậy là gia đình có phúc và như một nguyên lý, một quốc gia mà có nhiều người như vậy là một quốc gia hạnh phúc.
Trong bối cảnh của sự nghiệp công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam thì việc xây dựng nhân cách con người từ giáo dục gia đình cần quan tâm đến phát huy giá trị của gia phong. Bởi “Nền nếp gia phong đã trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia đình truyền thống phát triển bền vững cho đến ngày nay. Trong cuộc sống hiện đại, nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển vì nó đã được hun đúc từ đời này sang đời khác và luôn luôn tỏa sáng cùng với thời gian.(Giữ gìn nền nếp gia phong – xã luận Báo nhân dân 23/03/2013).
***
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Yêu quý gia đình, yêu thương người thân thiết, biết ơn và kính trọng ông bà, cha mẹ là phẩm chất đầu tiên cần có ở mỗi người, để từ đó khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình trong việc hình thành nhân cách người Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước.
Không thể có một công dân tốt, một công chức tốt hay một cán bộ tốt nếu không bắt đầu việc giáo dục một người con có đạo đức tốt, yêu quý, kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ, nhường nhịn, quý trọng người thân, không biết “thương người như thể thương thân”. Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống gia đình là một trong những yếu tố căn cốt để thực hiện mục tiêu mà Đảng ta xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước “…Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”.