Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp gia phong của gia đình Việt Nam truyền thống. Vì vậy, để xây dựng nhân cách người Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng cần bắt đầu từ chính sự dạy dỗ trong gia đình.
Kết quả điều tra của một số công trình nghiên cứu cho thấy, gần 58% cha mẹ ở phía Nam và gần 63% cha mẹ phía Bắc không dành nổi 30 phút một ngày để giải trí cùng con; 90% số trẻ em hư là do thiếu sự giáo dục của gia đình trong hoàn cảnh bố mẹ ly hôn hoặc lục đục, mâu thuẫn…
Lệch chuẩn trong giáo dục con cái
Vì mưu sinh, chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), hàng ngày tất bật làm rất nhiều việc để có thể chăm lo cho gia đình. Có con trai đang học cấp 2 nên chị Thanh cố gắng trang bị đầy đủ máy tính, mạng internet để con học tập. Tuy nhiên, điều chị Thanh lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung độc hại, tác động xấu đến con trai.
Còn chị Lê Thị Hoa ở phường 6 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Vợ chồng tôi đi làm từ sáng sớm tới tối mịt, về đến nhà, phải lo cơm nước, giặt giũ quần áo… nên rất ít thời gian để gần gũi, trò chuyện với con. Nhiều lúc muốn tâm sự với con nhưng điều kiện không cho phép”.
Theo ThS Nguyễn Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), giáo dục trong gia đình gắn với quá trình nuôi dưỡng, có tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trong đó giáo dục đạo đức, nếp sống là nội dung quan trọng nhất. Tuy nhiên hiện nay, giáo dục gia đình ở Việt Nam đang gặp không ít thách thức.
Các nhà giáo dục đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái từ gia đình hiện nay như: không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng; tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức; phó thác việc dạy con thành “người tử tế” trước khi thành “ông nọ bà kia” cho lực lượng khác ngoài gia đình đã khiến vai trò và bổn phận của cha mẹ trong giáo dục con cái trở nên mờ nhạt.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Nhận thức vai trò quan trọng của nhân tố con người, UBND huyện Tây Hòa đã ban hành Chương trình hành động Vì trẻ em huyện Tây Hòa, giai đoạn 2013-2020; triển khai đề án Tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020 với những tiêu chí và giải pháp cụ thể.
Theo đó, tập trung xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh; từng bước giảm dần khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các vùng; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; trợ giúp cho trẻ em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển…
Ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tây Hòa, cho biết: Đến nay, toàn huyện đã thành lập 51 CLB Gia đình phát triển bền vững, 25 nhóm Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ở 9/11 xã, thị trấn. Ban chủ nhiệm các CLB Gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ đã đưa vào hương ước, quy ước xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phối hợp với các chi hội, Ban công tác Mặt trận, khu dân cư tự quản, công an thôn, khu phố, kịp thời phát hiện, giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành và giáo dục đối tượng có hành vi bạo lực gia đình một cách hiệu quả…
Trong những năm qua, để góp phần giải quyết những thực trạng đặt ra đối với công tác gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống được báo động là có nguy cơ mai một, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp cụ thể hóa hoạt động bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Theo đó, Hội LHPN cơ sở chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia.
“Đến nay, tại 112 cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 119 CLB Gia đình hạnh phúc với gần 3.000 thành viên. Mỗi CLB có từ 20-40 thành viên, sinh hoạt định kỳ 1 hoặc 3 tháng/ lần với các chuyên đề phù hợp với từng thời điểm trong năm, hoặc theo nhu cầu của số đông thành viên CLB”, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nói.
nguồn: Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên