Sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nói Phụ Nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng Phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là chỉ xây dựng xã hội một nửa”. Nên trước lúc Người đi xa, trong bản di chúc Người đã viết: “ Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng”.
Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ, đặc biệt năm 2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết có nêu “Trong suốt quá trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới” và nêu rõ mục tiêu của Nghị quyết là: “Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực”.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch số 3310/KH-BVHTTDL với mục tiêu chung:
“Thực hiện trách nhiệm bảo đảm bình đẳng giới của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.”
Từ mục tiêu chung này, Kế hoạch hành động đã đưa ra 3 mục tiêu cụ thể, 12 chỉ tiêu và 5 giải pháp để triển khai, thực hiện. Các mục tiêu cụ thể tập trung vào 3 nội dung:
+ Mục tiêu 1. Bảo đảm bình đẳng giới trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Mục tiêu 2. Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
+ Mục tiêu 3. Bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Thực hiện các văn bản trên, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2850/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.
Kế hoạch hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác nhận 8 nhiệm vụ, trong đó tập trung vào hai nhiệm vụ, đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW.
Kết quả thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và Kế hoạch hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 33-NQ/TW là:
1. Số cán bộ nữ trong các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ 295/580 đạt 49,14%.
2. Số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo Bộ: 02 (Thứ trưởng).
3. Số các Cục, Vụ, Tổng cục có nữ tham gia cán bộ bộ chủ chốt là 16/22. Số cán bộ nữ giữ cấp trưởng trong khối hành chính là 5/22
4. Số cán bộ nữ trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2016-2021: 159/423 đạt gần 38%
5. Tổng số cấp ủy viên các tổ chức đảng trực thuộc 345 đồng chí, trong đó nữ có 108 đồng chí (chiếm tỉ lệ 31,3%).
6. Đối với các chức danh chính quyền, trong tổng số cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp từ Phó Vụ trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc trở lên, có 17,3% là cán bộ nữ.
7. Số cán bộ nữ đạt trình độ tiến sĩ: 50, thạc sĩ: 174
8. Nhiều cán bộ nữ tham gia các Đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước.
Với đặc thù của lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, từ nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm tới việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Trong sự nỗ lực, góp phần chung cùng phụ nữ cả nước, phụ nữ ngành văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cũng có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng. Với đặc thù của ngành, tỷ lệ phụ nữ chiếm gần 50% trong tổng số công chức, viên chức. Lực lượng lao động nữ được phân theo các khối: Khối quản lý nhà nước; Khối sự nghiệp và Khối doanh nghiệp.
Trong một số lĩnh vực, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới, như: Thư viện quốc gia; Trường Đại học Văn hóa và một số các trường khác thuộc Bộ. Khối quản lý Nhà nước, phụ nữ làm việc trong các Vụ, Cục chức năng cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn: Vụ Đào tạo, Vụ Gia đình, Vụ Tài chính, Kế hoạch. Trong các Đoàn Nghệ thuật, nữ diễn viên cũng chiếm số lượng trên 50%. Nhà hát cũng có số đông cán bộ nữ.
Về trình độ, đa số công chức, viên chức có trình độ đại học. Thời gian qua, lãnh đạo Bộ đã tạo điều kiện cử cán bộ nữ đi đào tạo tại một số nước (chủ yếu là các nước XHCN). Số cán bộ nữ có trình độ tiến sĩ là 50, số thạc sĩ là 174. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 125, trung cấp 154. Đa phần cán bộ nữ được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ.
Cùng chung với sự đóng góp của phụ nữ toàn quốc, phụ nữ của ngành đã có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trên mỗi lĩnh vực công tác và ở bất cứ cương vị nào các chị cũng hoàn thành nhiệm vụ và được đánh giá cao. Nhiều chị đã vượt khó khăn thậm chí hy sinh cuộc sống riêng tư cho nghề nghiệp, tham gia công tác, lưu diễn dài ngày tại biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa phục vụ đồng bào và các chiến sĩ. Khối các trường, cấc chị đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, học tập nâng cao trình độ đáp ứng cho công tác giảng dạy. Nhiều chị được bình bầu là giảng viên, giáo viên giỏi cấp trường, cấp Bộ trong nhiều năm liền. Có chị vừa là nhà quản lý, vừa tham gia giảng dạy, đào tạo được nhiều tài năng nghệ thuật và đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, được nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý trong thời kỳ đổi mới.
Trong khối các cơ quan tham mưu, hầu hết cán bộ nữ cũng là những lực lượng nòng cốt, luôn phấn đấu vươn lên làm tốt công tác tham mưu, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng đơn vị. Tại các doanh nghiệp, lao động nữ cũng là những người lao động cần cù, sáng tạo, năng nổ góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, các chị còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, giáo dục con ngoan, trò giỏi.
Để trở thành người lãnh đạo, quản lý phụ nữ phải có những hy sinh, những phấn đấu riêng, nhiều khi còn vất hơn nam giới. Ngoài những yêu cầu về tư chất, về tri thức, về năng lực lãnh đạo và quản lý… phụ nữ còn phải chịu thiệt thòi trong hạnh phúc riêng tư, vượt qua những khó khăn của bản thân để làm tròn nhiệm vụ được giao. Chúng ta có thể tự hào vì ngay ở lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, tuy có nhiều khó khăn, song các chị được giao công tác quản lý đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo, nhiệt tình, tận tâm, do vậy đơn vị nơi các chị làm việc luôn giữ được ổn định, từng bước phát triển, được tặng cờ, bằng khen của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ trong các dịp tổng kết cuối năm hoặc đột xuất.
Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước, của Bộ, bản thân mỗi cán bộ nữ phải ý thức được trách nhiệm và quyền bình đẳng của mình, tự phấn đấu vươn lên trong công tác chuyên môn cũng như quản lý, cần khắc phục tâm lý mặc cảm, tự ti, an phận. Muốn vươn lên trong xã hội, phụ nữ phải luôn nỗ lực học hỏi, trau rồi kiến thức văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn mới đạt được sự bình đẳng trong lao động, trong hưởng thụ. Phụ nữ có kiến thức sẽ tự tin trong công việc, khẳng định được vị thế của mình. Mặt khác, phụ nữ được giáo dục, đào tạo tốt sẽ sẽ được cả một gia đình tốt. Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, là trụ cột xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phụ nữ chính là người giữ gìn, truyền lại cho thế hệ sau những giá trị tốt đẹp văn hóa của dân tộc. Trí tuệ, đạo đức, nếp sống, hành vi, cách ứng xử của người phụ nữ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ sau. Người phụ nữ có văn hóa sẽ giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình để cùng nhau xây dựng một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Sự phát triển toàn diện của phụ nữ sẽ thúc đẩy họ phấn đấu hơn trên con đường sự nghiệp.
Việc tạo điều kiện để nâng cao năng lực quản lý của phụ nữ luôn là vấn đề bức thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường. Vì vậy trong Kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ, của Vụ Gia đình, luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 11-NQ/TW và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Kết quả đạt được về công tác phụ nữ đã trình bày ở trên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thể hiện được việc xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện trong triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.