Để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, các bên cần quan tâm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em, bắt đầu từ gia đình. Anh Nguyễn Phương Nam, ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) cho biết: “Trước những vụ việc đau lòng xảy ra, vợ chồng tôi đã nói chuyện, chia sẻ việc nuôi dưỡng, chăm sóc các con sao cho các con thấy được bố, mẹ yêu thương như nhau, được đối xử công bằng. Chúng tôi cũng thống nhất kiềm chế cảm xúc cáu giận, hạn chế quát mắng hay dùng roi vọt với các con”.
Ở cấp cơ sở, các cơ quan chức năng xây dựng nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ em tại gia đình, cộng đồng, nổi bật là mô hình “Gia đình văn hóa”, “Gia đình an toàn”, “Gia đình sức khỏe”… Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, Hà Nội hiện có gần 90% xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; hơn 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Thông qua mạng lưới bảo vệ trẻ em, năm 2021, các cơ quan đã tiếp nhận hơn 50 thông tin phản ánh về những vấn đề xảy ra đối với trẻ em. Từ nguồn tin nhận được, các bên đã xác minh 51 thông tin đúng và tất cả các vụ việc đều được can thiệp, tư vấn, trợ giúp kịp thời.
Dưới góc độ quản lý, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập trung triển khai “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030”; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo dựng môi trường an toàn, yêu thương cho trẻ thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng mô hình gia đình văn hóa. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bên liên quan trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em qua chương trình giáo dục chính khóa, sinh hoạt ngoại khóa…
Từ thực tế quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, việc tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn. Khi chứng kiến các vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ, những người chứng kiến đừng im lặng, mà hãy chủ động lên tiếng. Không may phải sống trong môi trường bạo lực, dù đó là bố, mẹ, trẻ em cũng nên tìm đến sự trợ giúp. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và nhiều kênh thông tin khác luôn có người trực để tiếp nhận thông tin và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho mọi trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.