Xây dựng gia đình văn hóa chính là giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Hơn 92% gia đình trên toàn tỉnh được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa là một con số khá cao, ghi nhận sự nỗ lực của mỗi gia đình cũng như sự tích cực của các địa phương, các sở, ban ngành, hội đoàn thể trong việc thực hiện cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa.
Hàng năm, vào các dịp kỷ niệm như Ngày Gia đình Việt Nam hay Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc, hầu hết các khu dân cư đều tiến hành họp, bình xét để đề nghị biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hóa.
Khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa) là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này hàng năm. Ông Võ Văn Thành, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố Mỹ Lệ Tây, cho biết: “Việc bình xét hàng năm được thực hiện theo hình thức họp công khai trong từng khu dân cư, do Ban nhân dân thôn thực hiện dựa trên các tiêu chí đã quy định. Ở nhiều khu dân cư, công tác bình xét được thực hiện khá nghiêm túc, dựa trên ý kiến thống nhất của cả tập thể, theo đó, gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa phải đảm bảo được các tiêu chí”.
Để được công nhận Gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan ở khu phố Mỹ Lệ Tây luôn chia sẻ công việc cho nhau, nuôi dạy con tốt; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào do địa phương phát động; ứng xử hòa nhã với hàng xóm láng giềng. Chị Lan chia sẻ: “Không chỉ làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, mà tôi còn phải hoàn thành công việc ngoài xã hội. Những khó khăn, thách thức ấy tạo ra áp lực đối với bản thân. Nhưng nhờ sự hỗ trợ, chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đã giúp tôi không chỉ hoàn thành tốt công việc ngoài xã hội, mà còn duy trì được hạnh phúc gia đình”.
Xác định gia đình là tế bào, là thiết chế xã hội bền vững để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, việc xây dựng gia đình văn hóa được xem là nội dung quan trọng, cốt lõi trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Từ đó, các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống được gìn giữ, tình làng nghĩa xóm ở khu dân cư được củng cố, phát huy, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Bà Nguyễn Thị Mộng Thường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Hai Riêng, (huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Thời gian qua, Ban thường trực Ủy ban MTTQ thị trấn thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, nhất là ở các buôn người dân tộc thiểu số. Kết quả, 100% em trong độ tuổi đi học được đến trường, những lễ tang, tiệc cưới cũng được tổ chức đơn giản dần”.
Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã đánh giá: “Để phong trào TDĐKXDĐSVH mang lại hiệu quả thiết thực, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và nâng cao trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng phong trào này, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
nguồn “Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên”