Hạnh phúc gia đình là điều mong mỏi của tất cả mọi người. Có người cho rằng gia đình sẽ hạnh phúc khi có đủ điều kiện vật chất. Có người lại chỉ mong các thành viên trong gia đình đoàn kết, yêu thương nhau là đủ. Vì thế tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc của mỗi người là khác nhau, liệu rằng quá trình xây dựng ấy có gắn với văn hóa ứng xử không?
Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của người thân. Bất kỳ ai cũng đều mong muốn gia đình mình luôn được ấm no, hạnh phúc. Mỗi người sẽ có tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc riêng nhưng nhìn chung đều bao gồm các yếu tố như: Tài chính vững mạnh, có sự chia sẻ, cảm thông, tôn trọng…
Có người cho rằng gia đình sẽ hạnh phúc khi có đủ điều kiện vật chất. Có người lại chỉ mong các thành viên trong gia đình đoàn kết, yêu thương nhau là đủ. Quan điểm khác nhau dẫn đến mỗi người có tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc khác nhau.
Vậy xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với văn hóa ứng xử là gì?
Khái niệm “văn hóa ứng xử”: Văn hóa là cơ sở hình thành cách thức giao tiếp, hành vi hay đúng hơn là văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Từ “văn” có nghĩa là nét đẹp. Từ “hóa” là chuyển từ một trạng thái này sang trạng thái khác. Từ “văn hóa” ở dạng động từ là làm cho trở nên đẹp. Từ “văn hóa” ở dạng danh từ là tập hợp những nét đẹp do rèn luyện mà có của một con người, một tập thể, một cộng đồng. Từ “Ứng” là đáp lại một tác động. Từ “xử” là dùng thái độ, hành động để làm hiện lên kết quả của một thái độ, hành vi khác, dựa trên sự phân định rõ mức độ đúng sai của thái độ, hành vi đó.
– Văn hóa ứng xử là tập hợp những nét đẹp thể hiện qua các thái độ, hành động phân xử, thế ứng xử, đối ứng với một thái độ, hành vi khác thể hiện triết lý sống, các lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cá nhân, một cộng đồng người trong việc trong việc ứng xử và giải quyết những mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội từ nhỏ đến lớn.
– Văn hoá ứng xử có vai trò rất quan trọng trong đòi sống thường nhật và đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung.
Nét đặc trưng nổi bật nhất của văn hoá ứng xử là hành vi ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội (con người cá nhân với cá nhân, với cộng đồng xã hội và với chính bản thân mình). Hay nói cách khác, văn hoá ứng xử chính là nét đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước. Do đó quá trình xây dựng một gia đình hạnh phúc thì vai trò của văn hoá gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế là rất quan trọng và cần thiết. Quan tâm đến 3 mối ứng xử quan trọng:
Thứ nhất: Quan hệ giữa vợ- chồng: Trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những giá trị đó được biểu hiện trong việc lựa chọn vợ (hoặc chồng) một cách tự do của người trong độ tuổi thành hôn, trong việc tham gia lao động, công việc xã hội, trong việc đóng góp và hưởng thụ tài sản gia đình, trong việc quyết định những vấn đề chung của gia đình (sinh đẻ có kế hoạch, ly hôn,…) giữa vợ và chồng. Mối quan hệ vợ chồng mang sắc thái tốt đẹp: Coi trọng giá trị lòng trung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, sự hoà thuận, hơn nữa là sự bình đẳng, quyền tự do dân chủ của mỗi người, cùng quan tâm đến lợi ích riêng cũng như lợi ích của cả gia đình… Nền tảng của một gia đình hạnh phúc phải là mối quan hệ tốt đẹp, hiểu biết, thông cảm và thương yêu nhau giữa vợ và chồng, là cơ sở ngăn chặn bạo lực giữa vợ và chồng trong gia đình, là một mục tiêu nhằm hướng tới xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá.
Thứ hai: Quan hệ giữa cha mẹ- con cái: Là quan hệ tình cảm, bao gồm sự ứng xử của cha mẹ với con cái và sự ứng xử của con cái đối với cha mẹ. Mối quan hệ này được biểu hiện trong các hình thái gia đình cũng khác nhau. ở gia đình hiện đại, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp đó được giữ gìn và phát triển, tinh thần thương yêu, sự hi sinh của cha mẹ vì con cái và sự kính trọng, biết ơn và hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Mối quan hệ này là khuôn khổ cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Thông qua các cách truyền đạt bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cha mẹ đã truyền lại cho con cái những giá trị, niềm tin, thái độ và cả những tri thức về thế giới xung quanh. Có thể nói những giá trị mà cá nhân thu được từ gia đình là rất đáng kể, một trong những khía cạnh thể hiện bản chất của mối quan hệ này là chức năng xã hội hóa của bố mẹ đối với con cái. bằng mối quan hệ, tình cảm ruột thịt, máu mủ giữa cha mẹ và con cái góp phần hạn chế đi những mâu thuẫn hằng ngày, phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.
Thứ ba: Quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu: Ở Việt Nam truyền thống về trợ giúp và chăm sóc người cao tuổi đã tồn tại trong các gia đình, đặc biệt là đối với người con đã trưởng thành. Chính những quan niệm truyền thống, phong tục văn hóa gia đình người Việt đã làm cho mối quan hệ giữa người cao tuổi và các thành viên trong gia đình ngày càng mật thiết hơn, gắn bó với nhau gần gũi hơn, người trẻ kính trọng người già.
Ứng xử trong gia đình hôm nay cần quan tâm đến những tác động trực tiếp đến gia đình Việt Nam.