Gia đình là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương, là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành. Vì vậy, dù cuộc sống có bộn bề đến đâu, dù mỗi người có lớn lên bao nhiêu cũng cần một điểm tựa vững chắc và một chốn đi về ấm áp, bình yên.
Là cộng tác viên công tác gia đình, chị Phạm Thị Lan (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa) luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để vừa chu tất việc nhà, vừa có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cộng tác viên được giao. Tuy nhiên chị cho rằng, để xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, các con hiền ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu của người chồng, người cha trong gia đình. “Bởi hiện nay, người vợ không chỉ đảm đương công việc nhà, mà còn phải hoàn thành nhiều trọng trách ngoài xã hội”, chị Lan bày tỏ.
Còn chị Nguyễn Thị Nhạn (khu phố 5, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) cho biết: “Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mục tiêu phấn đấu của vợ chồng tôi”. Vì vậy, gia đình chị Nhạn luôn gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong gia đình, chị Nhạn luôn quan tâm đặc biệt về sức khỏe cũng như tinh thần, là hậu phương vững chắc cho chồng những khi gặp khó khăn trong công việc. Vợ chồng chị luôn dành tình cảm yêu thương và những gì tốt đẹp nhất để nuôi dạy con phát triển toàn diện.
Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình luôn gắn với phong trào xây dựng Gia đình văn hóa. Đây là yếu tố cốt lõi nhất trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được Đảng và Nhà nước triển khai 18 năm qua và đã trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn ở cơ sở rất thiết thực, nên được các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Phong trào này tiếp thêm tinh thần, tạo thêm động lực để mọi người cùng nhau nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Công tác gia đình tỉnh, nhìn nhận: Cuộc sống hiện đại, nhất là quá trình đô thị hóa, đòi hỏi sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình hướng tới một xã hội văn minh, hiện đại. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ vững và phát huy cao độ tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống như hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh em hòa thuận… Đặc biệt, việc xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở gia đình truyền thống làm nền tảng, từ đó tiếp thu những yếu tố tiên tiến của thời hiện đại chính là bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong cuộc sống mới.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên