Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, qua 10 năm triển khai, thi hành Luật đã đạt được một số thành quả nhất định, đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên gia đình; góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc đó là:
Một số khái niệm chưa giải thích rõ dẫn đến cách hiểu khi xử lý vụ việc BLGĐ chưa được thống nhất; chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi pháp luật về PCBLGĐ; một số điều, khoản quy định trong Luật PCBLGĐ chưa thống nhất, chưa rõ hoặc có những thủ tục hành chính không phù hợp làm giảm tính thực thi của Luật.
Nghị định chưa quy định rõ chính sách xã hội hóa công tác PCBLGĐ; chính sách đối với người trực tiếp tham gia PCBLGĐ; Quy trình thực hiện quyết định cấm tiếp xúc còn mang nặng thủ tục hành chính và chưa rõ đối tượng
Việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Một số quy định của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP chưa bao quát hết hành vi cũng như biện pháp xử lý.
Cả nước ta hiện có khoảng 27 triệu hộ gia đình, song, đến nay chỉ có 4/63 tỉnh thành xây dựng được mạng lưới cộng tác viên thực hiện thu thập thông tin về gia đình, PCBLGĐ và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình và PCBLGĐ. Thực tế này dẫn đến số liệu tổng hợp của địa phương gửi về có độ tin cậy thấp, thậm chí là không có độ tin cậy trong việc tham khảo, dẫn chứng cho thực trạng BLGĐ ở nước ta hiện nay.
Đội ngũ công chức được giao triển khai nhiệm vụ về công tác PCBLGĐ hiện nay theo hình thức kiêm nhiệm, chưa có công chức chuyên trách về PCBLGĐ, đặc biệt cấp xã.
Kinh phí đầu tư cho công tác PCBLGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu để triển khai các nhiệm vụ được giao, không ít địa phương không bố trí kinh phí riêng cho công tác gia đình mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 324/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 quy định khoản, mục kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình.