Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.
Trong suốt sáu năm qua, từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả khả quan. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành) đã nghiêm túc triển khai, thực hiện Chương trình, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.
Qua tổng kết, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đã được triển khai đồng bộ nhưng kết quả đạt được lại không đồng đều giữa các tỉnh, thành. Tính đến hết năm 2020, có tới 03 chỉ tiêu (tỷ lệ hộ gia đình được cung cấp thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; tỷ lệ nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; tỷ lệ người có hành vi bạo lực BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi) chưa đến 50% các tỉnh, thành đạt được. Chỉ tiêu về mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên cả nước cũng không đạt mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy việc triển khai thực hiện Chương trình còn hạn chế, khó khăn nhưng cũng thể hiện những chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới là sự tiếp nối Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, nhằm duy trì những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc phòng, chống bạo lực gia đình và phù hợp với bối cảnh hiện nay.