Về xây dựng hồ sơ Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi)
Thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Quyết định số 1427/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, từ đầu năm 2022 đến nay, Vụ Gia đình đã tổ chức các hội nghị, hội thảo 3 miền xin ý kiến góp ý dự thảo Luật; phối hợp cùng các cơ quan tổ chức các cuộc họp nhóm chỉnh lý dự thảo Luật với sự tham gia của cơ quan thẩm tra, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngày 14 tháng 11 năm 2022, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp với 465/474 phiếu tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã có các quy định bảo đảm chế độ, chính sách ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 6, Điều 13, Điều 16.
Về các hoạt động nghiệp vụ khác
Vụ đã triển khai thực hiện các hoạt động: tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản liên quan đến công tác dân tộc như: Nghị định Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc; Chỉ thị số 01/CT-UBDT ngày 26 tháng 7 năm 2011 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 05; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình vào ngày 24/3/2022; tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2022; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022: tuyên truyền cổ động trực quan tại trụ sở Bộ; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Giữ lửa gia đình” phát sóng trên kênh VOVTV Đài Truyền hình Việt Nam; phối hợp với Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2022-2026; duy trì vận hành trang thông tin điện tử về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình: tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình; cung cấp gần 500 tin, bài, ảnh phản ánh hoạt động công tác gia đình trên cả nước; thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, phòng, chống xâm hại trẻ em, bình đẳng giới, chăm sóc người cao tuổi trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 trên cả nước. Theo đó, thực hiện các hoạt động tuyên truyền về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình. Mục đích nhằm tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị, đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gương chung thủy, hiếu nghĩa, yêu thương, chia sẻ… giữa các thành viên trong gia đình; chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình các dân tộc anh em thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.