Ngày 05 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã xây dựng Báo cáo số 46/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW
Sau 15 năm chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 49/CT-/TW, Thông báo kết luận số 26-TB/TW, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, được triển khai một cách đồng bộ. 100% các huyện, thành phố đã xây dựng được Ban chỉ đạo Công tác Gia đình. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban ngành đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã vào cuộc một cách tích cực, nghiêm túc. Hàng năm, các địa phương đã xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động (nhân kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia Phòng, chống bạo lực gia đình) gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình ngày càng được nâng cao, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, chính sách pháp luật pháp luật của nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được phối hợp triển khai thực hiện một cách đồng bộ, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, do đó có sức lan tỏa đến người dân. Giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
Việc triển khai mô hình xây dựng Gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình đã phát huy tác dụng, nhiều vụ bạo lực gia đình được xử lý kịp thời hiệu quả, tình hình bạo lực gia đình ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, góp phần vào xây dựng gia đình, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Sự quan tâm của một số cấp ủy đảng, các ngành chưa thực sự rõ nét, vẫn còn được xem như là việc của cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình. Một số chính quyền địa phương vẫn còn xem nhẹ, chưa quan tâm, không nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước.
Nội dung hoạt động và công tác tuyên truyền còn chưa đa dạng, phong phú và chưa thường xuyên, mới ở bề rộng, chưa có chiều sâu.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ đồng bộ. Các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa kịp thời; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn chưa được xử lý kịp thời, nể nang, ngại va chạm; Hình thức phạt đối với các đối tượng gây bạo lực gia đình còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe …
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách; kinh phí dành cho công tác gia đình còn hạn chế, hoạt động của các câu lạc bộ nội dung còn nghèo nàn chưa phong phú, hiệu quả. Công tác báo cáo các huyện, thành phố, Sở, ngành chưa kịp thời.