Ngày 15 tháng 8 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch số 207/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Theo đó, mục tiêu chung nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc. Mục tiêu phấn đấu 100% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số; Phấn đấu 100% các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại; Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở; Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã; Phấn đấu 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; Phấn đấu 100% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, nhiệm vụ, giải pháp chính để thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh, gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với công tác gia đình; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về giá trị gia đình trong tình hình mới; Thực hiện các chính sách pháp luật về gia đình; Xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên gia đình được thụ hưởng thành quả phát triển; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình.
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Chủ trì, tổ chức, triển khai các nội dung của Kế hoạch; Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác gia đình; Xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” theo Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/1/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm; Tham mưu xây dựng kế hoạch Tổ chức sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm, nhằm kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh những phát sinh, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.