Để thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất 08 giải pháp chính như:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; đặc biệt là nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành các đoàn thể, các tổ chức chính trị và các thành viên, gia đình trong việc việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao các kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới…nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân cùng chung tay phòng, chống bạo lực gia đình.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các cấp, để thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Củng cố, kiện toàn ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở. Làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, Đảng viên, cán bộ làm công tác gia đình và cộng tác viên các cấp.
Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mô hình các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng vào những địa phương có nguy cơ cao về BLGĐ, TNXH. Bổ sung các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào Hương ước, Quy ước của thôn, tổ dân phố.
Xây dựng mạng lưới Cộng tác viên làm công tác gia đình; xây dựng biểu bảng dữ liệu thu thập thống kê và xử lý thông tin cơ bản về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, được cập nhật thường xuyên theo quy định tại thông tư số Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tư vấn và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ; thực hiện tốt chính sách dân số KHHGĐ, kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ.
Hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/ 6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11) tổ chức các hoạt động như: Biểu dương gia đình tiêu biểu xuất sắc, tổ chức hội thi, hội diễn, TDTT, nói chuyện chuyên đề… nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình trong việc quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.