Ngày 05 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã xây dựng Báo cáo số 86/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW
Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp quan tâm đến công tác gia đình, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 50/KH-TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long, ngành văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản để chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ gia đình.
Công tác lãnh chỉ đạo trong lĩnh vực gia đình được chú trọng thông qua thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp; đồng thời bố trí kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ gia đình, trong đó quan tâm bố trí kinh phí cho Ban chỉ đạo để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời khó khăn vướng mắc, chủ động tháo gỡ bằng những giải pháp kịp thời, phù hợp. Từ đó, từng bước xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình (Đến thời điển hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ còn 01 trường hợp tảo hôn).
Giáo dục đời sống gia đình được tăng cường đẩy mạnh thông qua công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức gián tiếp và trực tiếp, chú trọng đến nhiều đối tượng để tuyên truyền. Từ đó, đã chuyển tải đến từng gia đình kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, vận động hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã góp phần to lớn trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6) được các cấp tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo không khí vui tươi, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, xây dựng Nông thôn mới và đô thị văn minh. Từ đó, công tác gia đình trên toàn tỉnh đã đáp ứng đạt và tương đối đạt các chỉ tiêu của Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 24/4/2013(03 mục tiêu và 10 chỉ tiêu của Chiến lược)..
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Một số thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp chưa phát huy cao vai trò, trách nhiệm được phân công. Nhiều cơ quan, đoàn thể chưa chú trọng quan tâm công tác gia đình; còn xem nhiệm vụ này là của ngành văn hóa; việc thực hiện chế độ báo cáo chưa đầy đủ thông tin và đúng thời gian theo quy định.
Ban chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thị xã, thành phố tuy có quan tâm cấp kinh phí, nhưng chưa thật sự chú trọng cho công tác gia đình. Do đó, vẫn còn địa phương gặp phải khó khăn trong bố trí kinh phí để duy trì hoạt động của mô hình, đề án; chưa có sự phối hợp đồng bộ và phát huy trách nhiệm cụ thể của từng thành viên trong ban chỉ đạo; các hoạt động ở cơ sở chỉ do Phòng văn hóa thông tin chủ động thực hiện; vai trò của các ngành, đoàn thể một số nơi còn mờ nhạt.
Cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn ở nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác gia đình. Chưa đưa nhiệm vụ gia đình vào chương trình kế hoạch hàng năm của địa phương, nên không có nguồn kinh phí để thực hiện, chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhiều địa phương thiếu kiểm tra, giám sát, không phát huy được sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể cơ sở, giao phó công việc liên quan đến gia đình cho công chức văn hóa xã hội.