Để thực hiện mục tiêu của “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030″, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm KHXHVN thực hiện Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” từ năm 2016. Chương trình gồm tổng số 16 đề tài/nhiệm vụ trong đó có 15 đề tài thành phần và 01 nhiệm vụ Báo cáo tổng hợp. Chương trình đã hoàn thành việc nghiệm thu cấp cơ sở 16 đề tài đúng thời hạn. Kết quả đạt được gồm 05 đề tài đạt loại xuất sắc, 11 đề tài đạt loại khá. Chương trình đã công bố 69 ấn phẩm và bài tạp chỉ trong nước; 12 ấn phẩm, bài tạp chí, tham luận hội thảo quốc tế; 10 báo cáo khuyến nghị chính sách gửi các cơ quan trung ương và các bộ, ban ngành; và nhiều bài tham luận hội thảo trong nước. Chương trình cũng đã sử dụng phương pháp khảo sát mẫu tại các địa bàn đô thị và nông thôn đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tổng số phiếu bảng hỏi của cả 12 đề tài là 19.508 đối với đại diện hộ gia đình, 497 phiếu hỏi đối với trẻ em, 461 phiếu hỏi đối với người cao tuổi. Về định tính, các đề tài đã thực hiện 1105 phỏng vấn sâu và 180 thảo luận nhóm.
Kết quả Chương trình tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của gia đình không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời kết quả của Chương trình đã giúp nhận diện những đặc điểm cơ bản của gia đình Việt Nam và xu hướng biến đổi trong giai đoạn hiện nay và thập niên tiếp theo, xác định các yếu tố tác động đến sự biến đổi của gia đình Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.