Ngày 27 tháng 10 năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có văn bản số 1903/KHXH-VP về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021 với một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo như sau:
Về dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030: Mục tiêu chung quá rộng hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam với 4 tiêu chí: no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Cần cân nhắc tiêu chí tiến bộ và văn minh vì hai tiêu chí này có điểm tương đồng về nghĩa. Bên cạnh đó, cần rà soát lại tránh dùng 3 chữ hạnh phúc trong 1 mục tiêu. Các mục tiêu cụ thể cần bám sát với mục tiêu chung. Hiện mục tiêu 3 có thể gắn với tiêu chí no ấm, mục tiêu 1 có thể gắn với tiêu chí hạnh phúc, mục tiêu 2 có thể gắn với tiêu chí tiến bộ nhưng nâng cao nhận thức ở mục tiêu 1 có thể đảm bảo gia đình hạnh phúc. Các chỉ tiêu cần được rà soát lại, đảm bảo tiêu chí có thể đánh giá, đo lường việc đạt được các mục tiêu. Hiện còn có chưa khớp giữa chỉ tiêu và mục tiêu, ví dụ: Mục tiêu 2 là Kế thừa, phát huy các giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp và xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới nhưng chỉ tiêu lại là Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp thông tin về hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới (chỉ tiêu 6). Rà soát các giải pháp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra. Hiện đang có sự trùng lặp giữa giải pháp và mục tiêu. Cụ thể: mục tiêu 2, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Giải pháp 5 cũng là xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan điểm 2 cho rằng “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030” nhưng chỉ coi “Xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu và động lực phát triển đất nước”, quan điểm này chưa nhất quán. Mục tiêu 1 cho rằng “Nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng…”, theo chúng tôi gia đình và cộng đồng là hai khái niệm khác nhau, vì vậy nên cân nhắc chỉ nêu nhận thức của gia đình theo nội dung dự thảo. Trong việc trình bày các giải pháp 3 và 5 mới chỉ quan tâm đến “gia đình hạnh phúc”, lưu ý rằng mục tiêu chung là “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Mục Tổ chức thực hiện (trang 5), Bộ Giáo dục và Đào tạo song song với việc xây dựng Chương trình giáo dục quốc gia về giáo dục gia đình, tiếp tục (hoặc bổ sung) một số nội dung về giáo dục tiền hôn nhân (trong chương trình giáo dục công dân hoặc ngoại khóa) cho học sinh THPT để đảm bảo chỉ tiêu trong phần mục tiêu, tăng thêm chủ thể giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên trước khi kết hôn.
Về dự thảo Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới: Quan điểm 3 có thể sửa lại cụm từ “Phối hợp các biện pháp….” hoặc “phối hợp chặt chẽ các biện pháp…” cho phù hợp với nội dung. Chỉ tiêu 3: Hai đoạn nội dung rất giống nhau, nên kết hợp làm một, chỉ cần nêu “từ năm 2025 có chuyên trang, chuyên mục….”. Các chỉ tiêu của mục tiêu 1 mới tập trung vào việc có tổ chức hoạt động truyền thông, chưa chú ý đến hiệu quả của hoạt động truyền thông. Chỉ tiêu 5 không quá khó để thực hiện, từ năm 2030 nên để 100% người bị bạo lực được phát hiện được cung cấp thông tin…. Chỉ tiêu 6 nên xem lại: đến năm 2025 ít nhất 50% người bị bạo lực có nhu cầu hỗ trợ được đáp ứng mà từ 2025 đã đạt mức duy trì 80% thì không hợp lý (sau 1 năm tăng 30%). Chỉ tiêu 8 và 9 về người vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (chỉ tiêu 8) và người có hành vi bạo lực gia đình nên xem xét: liệu người có hành vi bạo lực gia đình có vi phạm pháp luật không? Có nên dùng thuật ngữ khác nhau không? Chỉ tiêu 10, hầu hết các chỉ tiêu đều dùng cụm từ “từ năm 2025” mà ở chỉ tiêu này dùng “từ sau năm 2025”, vậy nên thống nhất. Chỉ tiêu 11: “Đến năm 2025 đạt 70% và từ năm 2025, hằng năm duy trì đạt ít nhất từ 90% người có tiền sử nghiện rượu, bia có hành vi bạo lực gia đình được hỗ trợ cai nghiện rượu, bia tự nguyện tại nhà hoặc cai nghiện rượu, bia bắt buộc tại cơ sở cai nghiện”. Cân nhắc thêm cai ma túy, các chất gây nghiện. Mục tiêu 4 đang trùng với mục tiêu chung, nên bỏ mục tiêu 4 và đưa các chỉ tiêu trong mục tiêu 4 vào mục tiêu 3. Mục 6 “xã hội hóa” nên thay bằng tiêu đề khác, như: “Huy động (hoặc Phát huy sự tham gia của) các tổ chức, cá nhân vào việc phòng, chống bạo lực gia đình. Mục 7 nên nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (đã đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được). Khoản (a) và khoản (d) đều liên quan đến chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, vì vậy nên kết hợp lại. Khoản (a) nên bỏ “trong khu vực quốc tế” vì ở trên đã nói về chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. Tất cả các khoản nêu ở mục 7 đều nhằm hoạch định chính sách về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, vì vậy cách trình bày các khoản nên rút gọn và nhất quán. Nên sửa đổi thống nhất các tiêu chí thống kê các vụ bạo lực gia đình ở các địa phương, tránh hiểu khác và bỏ lọt, không đồng bộ số liệu. Mục tổ chức thực hiện: đối với Bộ Y tế nên bổ sung việc duy trì khám sàng lọc để phát hiện bệnh nhân là nạn nhân bạo lực, kết hợp với tư vấn cho nhóm bệnh nhân này. Cần chuẩn hoá từ ngữ hơn, tránh cách diễn đạt khó hiểu, thừa từ, như: Chỉ tiêu 7 “80% số người bị bạo lực gia đình được phát hiện có nhu cầu thì được đào tạo nghề”.
Về dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW: Mục 4 điểm (a) “hướng dẫn, xây dựng các mô hình gia đình văn hoá, hạnh phúc”, văn hoá và hạnh phúc là hai giá trị khác nhau. Vụ Gia đình đã triển khai 02 bộ tiêu chí: bộ tiêu chí gia đình văn hoá và bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc. Vậy “mô hình gia đình văn hoá, hạnh phúc” là 02 mô hình hay 01 mô hình. Nếu là 01 mô hình thì mô hình này sẽ dựa trên bộ tiêu chí nào? Cần xác định và làm rõ để có cơ sở xây dựng mô hình. Mục 4 điểm (b) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức liên quan không chỉ phối hợp trong công bố các nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình mà nên mở rộng hơn các hoạt động phối hợp như phối hợp trong thực hiện nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình; thực hiện các hội thảo, tọa đàm xây dựng mô hình…
Về dự thảo Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030: Chỉ tiêu 2 và 3 có điểm trùng nhau “Gia đình được tuyên truyền, hướng dẫn về tiêu chí ứng xử trong gia đình” ở chỉ tiêu 2 có được tính là số gia đình “được tiếp cận thông tin” ở chỉ tiêu 3 không? Nếu tính sẽ dẫn đến trùng nhau về tiêu chí đo. Nếu không tính, cần phải có hướng dẫn cụ thể. Chỉ tiêu 2 yếu tố “đăng ký thực hiện” mang tính truyền thông nhiều hơn, ít hiệu quả trong giám sát thực hiện chỉ tiêu một cách hiệu quả. Chỉ tiêu 4 “hệ thống thông tin cơ sở” rất đa dạng loại hình, có ưu điểm là dễ trong triển khai và đánh giá nhưng nhược điểm là tiêu chí khó đảm bảo được tính hiệu quả. Nhiệm vụ và giải pháp cần cụ thể hơn, phù hợp với mục tiêu. Cụ thể, cần làm rõ: Nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho ai/ đơn vị nào (nhiệm vụ và giải pháp 2); Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa gia đình gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng cách nào (nhiệm vụ và giải pháp 4). Trong phần “Các hoạt động chính” (trang 3): Hoạt động “Xây dựng và vận hành mô hình “người mẹ mẫu mực” nên thêm cả mô hình “Người cha mẫu mực” vì một gia đình có lối sống, đạo đức tốt thì cần cả cha và mẹ đều mẫu mực.