Việc trẻ em bị xâm hại là điều không một ai mong muốn sẽ xảy ra, nhất là với gia đình mình. Nhưng trên thực tế, khi những mối nguy cơ luôn hiện hữu, trẻ em nào cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại.
Khi trẻ bị xâm hại, các thành viên trong gia đình đặc biệt là cha, mẹ của trẻ xuất phát từ tình yêu thương, xót xa và lo lắng cho con mà luôn có tâm trạng buồn bã, tức giận, chán nản, lo lắng, đổ lỗi cho nhau hoặc cho chính bản thân mình; nhất là trong trường hợp trẻ đã có dấu hiệu bị xâm hại từ lâu nhưng cha, mẹ không quan tâm, phát hiện kịp thời hoặc do chủ quan, sơ xuất dẫn đến việc không may xảy ra với trẻ. Từ đó dễ phát sinh những hành động, tâm lý chán nản, bi quan, tiêu cực như tìm đối tượng xâm hại để giải quyết; lúc nào cũng buồn rầu, khóc lóc; cãi vã, trách móc nhau; tự trách bản thân mình; bỏ bê công việc, không muốn làm việc gì; thậm chí mắng, đổ lỗi cho trẻ, vì trẻ không nghe lời nên mới bị như vậy… Bên cạnh đó, sự việc xảy ra là cú sốc lớn với cả gia đình, không phải ai cũng giữ được bình tĩnh và có kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em khi trẻ bị xâm hại. Tất cả những điều này sẽ càng làm hậu quả vụ việc trở nên nghiêm trọng, trước hết ảnh hưởng tới chính tâm lý, tình cảm, sự an toàn và quá trình phục hồi của trẻ, có thể dẫn tới hành vi, suy nghĩ tiêu cực ở trẻ.
Nếu chuyện không may đó xảy ra thì sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của gia đình, đặc biệt là cha, mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, hạn chế thấp nhất những hậu quả của việc bị xâm hại đến trẻ. Khi đó, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha, mẹ nên cố gắng thực hiện những điều sau:
Trước hết, chính người lớn phải chấp nhận chuyện không may đã xảy ra với con/ cháu mình; mọi sự thương xót, hối hận, oán trách, đổ lỗi, lo lắng, than vãn hay căm giận đều không làm thay đổi sự thật đó mà còn ảnh hưởng xấu đến trẻ. Điều quan trọng là gia đình phải chăm sóc và bảo vệ trẻ, cùng trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào.
Chăm sóc trẻ: Chăm sóc trẻ bị xâm hại bao gồm chăm sóc về thân thể và về tâm lý, tinh thần.
Chăm sóc về thân thể
Trẻ bị xâm hại sẽ có những vết bầm tím, vết thương trên cơ thể và cơ quan sinh dục. Việc chăm sóc thân thể trẻ không hoàn toàn giống như khi trẻ bị té ngã, trầy xước… mà đòi hỏi người chăm sóc có những kiến thức nhất định, đặc biệt là khi vệ sinh, chăm sóc vùng nhạy cảm của trẻ.
Ngay khi biết trẻ bị xâm hại, cha/mẹ/người giám hộ hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chăm sóc y tế kịp thời; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe trẻ khi về nhà; được các y bác sĩ thực hiện những thủ tục cần thiết, chuẩn bị cho hồ sơ và các thủ tục pháp lý về sau. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Tài liệu hướng dẫn việc chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục, triển khai tới các cơ sở y tế trên cả nước. Cha mẹ nên tham khảo Tài liệu này để đảm bảo việc chăm sóc và hỗ trợ y tế cho trẻ bị xâm hại được thực hiện đúng.
Khi trẻ về nhà, tùy vào điều kiện thực tiễn cụ thể mà cha, mẹ có cách chăm sóc trẻ hợp lý, phù hợp nhất.
Chế độ ăn: Nấu những món ăn trẻ thích, có giá trị dinh dưỡng cao, giúp an thần, dễ ngủ như các món chế biến từ hạt sen, các loại đậu, canh gà, các món cá… Hạn chế những món chiên rán, nướng, nhiều chất đạm, khó tiêu…
Trong giai đoạn đầu sau khi bị xâm hại, trẻ bị sốc, có thể có những hành động, tâm lý như sợ hãi món ăn nào đó (nhất là khi món ăn này đã bị đối tượng xâm hại cho trẻ ăn, dùng để dụ dỗ trẻ), không muốn ăn cơm cùng mọi người… cha mẹ cần chú ý, trò chuyện và hỏi ý kiến của trẻ để tránh những món ăn đó và tạo cho trẻ không khí thoải mái nhất.
Việc vệ sinh, bôi thuốc vào vùng nhạy cảm cho trẻ cũng cần thực hiện riêng tư và theo đúng hướng dẫn y tế do người mà trẻ tin tưởng nhất thực hiện; với trẻ em gái thì bà, mẹ, chị thực hiện việc này. Cho trẻ uống thuốc đúng giờ, liều lượng.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý
Có thể nói với trẻ bị xâm hại, những tổn thương nhìn thấy được trên cơ thể có thể phục hồi sau một thời gian nhưng những tổn thương về tâm lý, tình cảm, tinh thần mới để lại những hậu quả nặng nề, rất khó chữa lành. Vì vậy cha, mẹ, các thành viên trong gia đình cần đặc biệt quan tâm, trò chuyện, chia sẻ với trẻ, cùng trẻ vượt qua cú sốc lớn này.
Đa phần đối tượng xâm hại trẻ là người quen, người thân với gia đình, thậm chí là thành viên gia đình. Điều này cũng khiến cha, mẹ cảm thấy khó chấp nhận, khó khăn khi đưa vụ việc ra pháp luật. Trường hợp tệ nhất là cha mẹ không tin lời trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy tổn thương nặng nề, cảm thấy sợ hãi và tinh thần suy sụp nhiều hơn vì mình không được bố mẹ tin tưởng, không có ai bảo vệ mình, tất cả do lỗi của mình. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại hoặc nghe trẻ nhắc, thấy các dấu hiệu bị xâm hại ở trẻ, cha, mẹ, các thành viên gia đình hãy bình tĩnh, khéo léo trò chuyện, lắng nghe và tin tưởng trẻ để tìm hiểu sự thật và bảo vệ trẻ. Dù trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện cho trẻ biết rằng bạn tin và sẽ làm mọi cách để bảo vệ trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy vững tin, yên tâm và an toàn hơn.
Cố gắng giữ không khí, nề nếp sinh hoạt trong gia đình như bình thường để trẻ không cảm thấy có lỗi vì chuyện của mình mà làm mọi thứ trong gia đình đảo lộn, thay đổi; đồng thời cũng không gợi nhắc trẻ nghĩ nhiều đến vụ việc đã xảy ra.
– Nếu có điều kiện, hãy động viên, đưa trẻ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý; tránh tư tưởng “không muốn khơi gợi lại chuyện đã xảy ra”. Vì điều này càng làm trẻ giữ những suy nghĩ trong lòng, không giải tỏa được. Các chuyên gia, bác sỹ tâm lý sẽ giúp trẻ giải tỏa tâm lý, chữa trị những tổn thương và có lời khuyên hữu ích với cha, mẹ.
Khuyến khích và cùng trẻ tham gia các hoạt động xã hội, các buổi đi chơi cùng gia đình, bạn bè thân thiết… điều này giúp cho trẻ vui hơn, thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống; từ đó sớm hòa nhập, hồi phục tâm lý.
Cha mẹ và mọi người nên tìm hiểu cũng như hiểu những tâm lý, hành động của trẻ sau khi bị xâm hại. Trẻ có thể cáu bẳn, không muốn nói chuyện, tiếp xúc với ai; thậm chí trẻ bị xâm hại tình dục có thể hỏi những câu hỏi về cảm xúc hay có hành động liên quan đến tình dục. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra với trẻ bị xâm hại, cha mẹ cần bình tĩnh, nhẹ nhàng và tế nhị giải thích, trả lời trẻ. Thường xuyên trò chuyện, lắng nghe trẻ, kể cho trẻ nghe những điều tốt đẹp trong cuộc sống; giữ không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, yêu thương và chăm sóc nhau…
Chăm sóc, hồi phục những tổn thương về tâm lý, tinh thần cho trẻ bị xâm hại là quá trình lâu dài, khó khăn. Hãy luôn nhớ, khi việc xảy ra, người đau đớn, ảnh hưởng nhất là trẻ. Do đó cha, mẹ hãy cố gắng vững vàng, bản lĩnh để làm chỗ dựa cho trẻ, cùng trẻ vượt qua. Nếu cảm thấy quá khó khăn trước việc đối diện với cú sốc này, cha, mẹ có thể đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc tâm sự với người có kinh nghiệm, kiến thức về việc này để nhận được sự tư vấn, trợ giúp.
Bảo vệ trẻ sau khi bị xâm hại: Bên cạnh việc chăm sóc, việc bảo vệ trẻ khỏi đối tượng xâm hại, sự đàm tiếu của mọi người xung quanh hay ảnh hưởng của báo chí, truyền thông và những thủ tục phục vụ cho việc tố cáo, xử án đối tượng xâm hại cũng rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tinh thần của trẻ và gia đình.
– Việc đầu tiên cần làm để bảo vệ trẻ là cách ly trẻ với đối tượng xâm hại; không để đối tượng xâm hại có cơ hội tiếp xúc trẻ, đe dọa trẻ và có thể tiếp tục hành vi xâm hại. Với trường hợp người xâm hại, bạo lực trẻ là thành viên trong gia đình thì nên đưa trẻ đến nơi khác ở như nhà ông bà, cô dì chú bác ruột hoặc cơ sở trợ giúp xã hội… cho đến khi đối tượng bị xử phạt trước pháp luật. Trên thực tế đã có những trường hợp trẻ bị chính ông, bố xâm hại tình dục nhưng do thiếu hiểu biết, không có điều kiện kinh tế, nơi ở, người mẹ đã chấp nhận, không tố cáo hành vi phạm tội và vẫn để trẻ tiếp tục sinh sống cùng đối tượng. Điều này khiến trẻ bị xâm hại nhiều lần, tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí mang thai, bị tổn thương dẫn đến tàn tật suốt đời. Vì vậy, đừng chần chừ, hãy ngay lập tức cách ly trẻ, không để đối tượng xâm hại tiếp xúc, gặp gỡ trẻ.
Nhà nước rất quan tâm và đã có quy trình xử lý, hỗ trợ trẻ bị xâm hại, cha, mẹ, người giám hộ của trẻ hoàn toàn có thể tìm sự hỗ trợ từ Ban chỉ đạo công tác trẻ em của xã, cán bộ làm công tác trẻ em hoặc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để được tư vấn, hỗ trợ.
– Tôn trọng không gian riêng của trẻ; đừng nói với quá nhiều người và cũng đừng nói với trẻ rằng có ai đó đã biết về biến cố. Có ý kiến với mọi người không hỏi thăm, bàn tán chuyện này, đặc biệt là khi có mặt trẻ.
– Với những vụ việc đã được đăng tải trên mạng thì không để trẻ vào mạng đọc các tin, bài hay lời bình luận của mọi người về vụ việc.
– Trao đổi với các cơ quan chức năng, tránh việc trẻ bị hỏi quá nhiều lần về vụ việc phục vụ quá trình điều tra hành vi xâm hại.
Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ khi trẻ bị xâm hại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp trẻ mau chóng hồi phục những chấn thương về thân thể, tổn hại về tinh thần, tâm lý, giảm thiểu những hậu quả của việc bị xâm hại. Chính tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của gia đình là điều kiện căn bản nhất để trẻ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này