Gia đình là một nhóm người có tâm lý – tình cảm xã hội đặc thù trong các mối quan hệ của gia đình, đó là sự cấu kết giữa các thành viên trong gia đình bắt nguồn từ quan hệ huyết thống ruột thịt và quan hệ tình cảm, trách nhiệm. Gia đình, các thành viên gắn bó với nhau bằng những sợi dây liên hệ thường xuyên, lâu dài, suốt một đời người.
Gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên luôn quan tâm đến nhau, hy sinh cho nhau, không ngại thiệt hại về mọi mặt. Gia đình là cầu nối giữa các cá nhân với xã hội. Mỗi cá nhân chỉ có thể sinh ra trong một gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành và phát triển tính cách, nhân cách làm người của mỗi cá nhân. Gia đình chịu trách nhiệm chính về các hoạt động văn hóa xã hội của mỗi thành viên chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách ứng xử với mọi người xung quanh và trên phạm vi toàn xã hội.
Gia đình là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc hài hòa trong đời sống của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Chỉ trong gia đình, mới thể hiện mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cháu. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc những công dân tốt cho xã hội. Sự hạnh phúc của gia đình là tiền đề để hình thành nên nhân cách cho những công dân của xã hội tương lai.
Vì thế, muốn xây dựng xã hội thì phải chú trọng xây dựng gia đình. Hồ Chủ tịch nói: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”. Sự nghiệp xây dựng gia đình là một trách nhiệm, là một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể các mục tiêu phấn đấu của xã hội, vì sự ổn định và phát triển của xã hội. Vì các cá nhân không chỉ sống trong mối quan hệ gia đình mà họ còn có những quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Nên không thể có con người bên ngoài xã hội. Do đó, gia đình đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu về quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Ngược lại, bất cứ xã hội nào cũng thông qua gia đình để tác động đến mỗi cá nhân. Mặt khác, nhiều hiện tượng xã hội thông qua gia đình ảnh hưởng vào sự phát triển nhân cách của các thành viên trong gia đình. Vì thế, trình độ phát triển văn hóa xã hội quyết định đến cấu trúc tổ chức gia đình để xây dựng và phát triển văn hóa xã hội trong thời đại mới, nên các bậc cha mẹ phải không ngừng học hỏi, tiếp nhận tri thức mới để xây dựng văn hóa gia đình mang tầm thời đại.
Mục đích là phải xây dựng văn hóa gia đình có bản sắc dân tộc truyền thống và đương đại thành công nhằm hoàn thiện nhân cách con người mới trong từng gia đình để xây dựng tốt con người và xã hội tương lai. Xã hội mới muốn hoàn thiện về con người văn hóa thì nhiệm vụ và trách nhiệm của gia đình trong xã hội đương đại, đó là phải ngăn chặn bạo lực, và tội phạm xâm hại trẻ em để giữ bình yên cuộc sống gia đình Việt Nam trong thời đại mới.
Ths. Đặng Kim Thoa
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam