Luật mẫu của Liên hợp quốc khuyến nghị Luật BLGĐ cần có quy định về quyền của nạn nhân: Cung cấp thông tin và được tư vấn, tôn trọng phẩm giá và sự riêng tư, được tiếp cận dịch vụ y tế, pháp luật, tham vấn thích hợp và các dịch vụ hỗ trợ khác. Các thủ tục tố tụng liên quan đến BLGĐ, kể cả việc áp dụng quyết định bảo vệ đều phải được tiến hành kín tại Tòa án nhằm bảo vệ sự riêng tư và phẩm giá của nạn nhân. Philippines và Timor Leste đưa ra danh mục cụ thể các quyền của nạn nhân. Các quốc gia khác thì quyền của nạn nhân thường được quy định rải rác trong luật.
Theo Luật mẫu của Liên hợp quốc, Luật BLGĐ cần quy định việc nạn nhân, nhân chứng của BLGĐ và các thành viên gia đình, cán bộ y tế, các trung tâm hỗ trợ nạn nhân tố cáo về những trường hợp BLGĐ cho cảnh sát hoặc gửi đơn ra tòa. Luật của Philippines quy định, cán bộ y tế, nhân viên công tác xã hội (Social Worker), cán bộ tham vấn nếu có nghi ngờ về BLGĐ hoặc khi được nạn nhân của BLGĐ cho biết về vụ việc thì phải: (1) Ghi chép đầy đủ tổn thương, nghi vấn, điều quan sát được; (2) Cấp chứng nhận sức khỏe miễn phí liên quan đến lần khám hoặc gặp nạn nhân; (3) Bảo quản hồ sơ và đưa cho nạn nhân khi có yêu cầu; (4) Cung cấp đầy đủ các thông tin về quyền của họ.
Luật mẫu của Liên hợp quốc cũng khuyến nghị, Luật PCBLGĐ của các quốc gia cần quy định rõ trách nhiệm công an trong giải quyết các vấn đề như giúp đỡ, bảo vệ, thẩm vấn, gửi báo cáo, tư vấn về quyền cho nạn nhân, cung cấp nơi an toàn, thu xếp đưa thủ phạm ra khỏi nhà,…. Luật của một số quốc gia/vùng lãnh thổ như: Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Timor Leste, Nam Phi đã tiếp nhận các quy định như khuyến nghị của Liên hợp quốc. Thậm chí, Hàn Quốc còn cho phép cảnh sát có thể vào nhà can ngăn BLGĐ mà không cần giấy phép hay đơn tố cáo.
Về việc rút đơn tố cáo hành vi BLGĐ cũng được một số quốc gia quy định rõ nhằm ngăn chặn tình trạng nạn nhân rút đơn vì sức ép từ phía gia đình, cộng đồng. Luật của Panama quy định, nạn nhân chỉ có thể rút đơn miễn truy tố cho người có hành vi BLGĐ nếu trong một thời gian nhất định hành vi bạo lực không lặp lại và người có hành vi bạo lực phải được đánh giá và điều trị về mặt sức khỏe tinh thần. Một quốc gia láng giềng của Việt Nam đã có những quy định mạnh mẽ nhằm răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ. Theo đó, Campuchia quy định nếu người có hành vi BLGĐ tiếp tục có hành vi bạo lực thì Tòa án sẽ truy tố theo thủ tục tố tụng hình sự, kể cả trong trường hợp nạn nhân không có yêu cầu.
Đối chiếu với các quy định của Luật PCBLGĐ năm 2007 của Việt Nam hiện nay, Ngành Tòa án đã xây dựng và thành lập 38 tòa án gia đình ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là điều kiện thuận lợi cho việc xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền của những người yếu thế. Về các quy định về đơn là điều kiện để xử lý và khi nạn nhân rút đơn thì vụ án hành chính hoặc hình sự có thể chuyển sang vụ án có tính chất nhẹ hơn. Trong mối quan hệ gia đình khi vụ việc bị xử hành chính hoặc đặc biệt là hình sự nạn nhân thường có xu hướng rút đơn. Vấn đề này cần được xem xét và quy định cụ thể để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và gìn giữ được các giá trị nhân văn của quốc gia, dân tộc. Vì vây, Luật PCBLGĐ năm 2007 cần xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ các quyền của nạn nhân BLGĐ, tạo sự chủ động cho cơ quan có thẩm quyền trong xử lý các vụ việc BLGĐ.