Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị rằng pháp luật về BLGĐ nên quy định các loại hình trợ giúp và dịch vụ cần được bảo đảm cho nạn nhân của BLGĐ. Các chương trình và dịch vụ cần linh hoạt để đáp ứng các tình huống và các nhu cầu khác nhau của nạn nhân và được thiết kế để tính đến những mối quan tâm đặc biệt của phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Theo đó, việc trợ giúp tức thời/khẩn cấp nên bao gồm: Các dịch vụ can thiệp chống khủng hoảng; Chuyên chở nạn nhân từ nhà đến trung tâm y tế, nhà tạm lánh,…; Sự quan tâm tức thời về mặt y tế; Tư vấn pháp luật khẩn cấp và chuyển giao; Tư vấn khủng hoảng để cung cấp sự trợ giúp và bảo đảm an toàn; Xử lý bí mật mọi sự liên hệ, tiếp xúc với nạn nhân của BLGĐ và gia đình họ.
Về trợ giúp dài hạn cho nạn nhân BLGĐ nhằm phục hồi và tái hòa nhập, Luật mẫu Liên hợp quốc khuyến nghị các hoạt động trợ giúp không khẩn cấp cũng cần được quy định trong pháp luật về PCBLGĐ. Vấn đề hòa giải cũng gây nhiều tranh luận. Hòa giải có thể hiệu quả đối với các tranh chấp nhỏ nhưng không nên được áp dụng trong các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và triền miên. Do đó, Campuchia quy định hòa giải không được áp dụng trong các trường hợp BLGĐ có dấu hiệu trọng tội hoặc tội nghiêm trọng. Luật Timor Leste nghiêm cấm cảnh sát chuyển các vụ BLGĐ cho già làng để hòa giải.
Bên cạnh những vấn đề kể trên, phòng chống BLGĐ và thực thi Luật PCBLGĐ là một vấn đề hết sức phức tạp. Do đó, các nước trong khu vực ASEAN và nhiều quốc gia trên thế giới đều tiến hành rà soát, đánh giá luật và quá trình triển khai luật thường xuyên. Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành sửa đổi, bổ sung luật phòng chống BLGĐ.