Hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân BLGĐ. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu bạo lực kép từ gia đình và cả xã hội.
Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt một số cơ sở chỉ có tên trong Luật mà chưa có ở thực tiễn sau 12 năm triển khai. Việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ trong các trường hợp khẩn cấp còn mang tính thủ tục hành chính và không phù hợp với những trường hợp cần ra khỏi nhà để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng.
Hình thức xử phạt đối với người có hành vi BLGĐ cần có những quy định đặc thù để nâng cao hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là người vợ/chồng hoặc bố mẹ là người nộp tiền phạt hoặc phải lấy tiền từ quỹ chi tiêu chung của gia đình để nộp phạt cho người gây BLGĐ. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi BLGĐ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế phạt tiền người gây BLGĐ là người vợ/chồng bằng hình thức giáo dục bắt buộc, thậm chí phạt tù nhằm răn đe người có hành vi BLGĐ.