Ở nhiều vùng nông thôn, bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra phổ biến bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ của đàn ông và nhiều phụ nữ cũng tự hạ thấp bản thân trong gia đình, xã hội.
BLGĐ xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc và phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau và thể hiện ở nhiều dạng như: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục…
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái trung bình mỗi năm có khoảng trên 500 vụ ly hôn, trong đó trên 55% số vụ nguyên nhân từ đánh đập, ngược đãi. Tại các địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải cơ sở và hoạt động của các ngành, đoàn thể đã tham gia phối hợp giải quyết 312 vụ liên quan đến BLGĐ; đưa 595 bệnh nhân BLGĐ được tiếp nhận, chăm sóc tại các cơ sở y tế; 459 nạn nhân BLGĐ và 459 người gây BLGĐ được tư vấn, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử được 34 vụ liên quan đến BLGĐ và 06 vụ xâm hại tình dục với trẻ em gái.
Theo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Quảng Ngãi, trong 10 năm (2008 – 2018), toàn tỉnh xảy ra 3.600 vụ BLGĐ. Trong đó, bạo lực thân thể có 2.400 vụ, bạo lực tinh thần hơn 800 vụ… Người bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Phần lớn các vụ BLGĐ đều do người chồng, người cha trong gia đình gây ra. Trong 10 năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý hơn 1.200 vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến BLGĐ; trong đó không thể hòa giải được dẫn đến ly hôn gần 540 vụ…
Từ năm 2008 – 2018, toàn huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) xảy ra 377 vụ BLGĐ, trong đó có 20 vụ bạo lực với người già, 319 vụ bạo lực giữa vợ chồng và 38 vụ bạo lực với trẻ em. Trong đó bạo lực tinh thần 164 vụ, bạo lực kinh tế 142, bạo lực thân thể 71 vụ và 116 vụ ly hôn. Tình trạng bạo lực tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đối tượng bị bạo lực phần lớn là đối tượng yếu thế, phụ nữ, trẻ em.
Tại Đắk Lắk, trong 10 năm (2008 -2018) đã xảy ra 9.449 vụ BLGĐ, hơn 70% nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ; trong đó 35,8% vụ bạo lực tinh thần, 49,3% vụ bạo lực thân thể, 5,03% vụ bạo lực tình dục. Trên 3.000 vụ việc được can thiệp, xử lý đối với người gây bạo lực.
Toàn tỉnh xảy ra 214 vụ BLGĐ có tính chất nghiêm trọng, tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Cư Kuin, Cư M’Gar và thành phố Buôn Ma Thuột. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 127 vụ, 167 bị can. Nguyên nhân chủ yếu của BLGĐ là đời sống người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc về kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; trình độ học vấn thấp, công ăn việc làm không ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật; do lạm dụng rượu bia và các tệ nạn xã hội nên số vụ BLGĐ vẫn có chiều hướng gia tăng.
Các vụ án liên quan đến BLGĐ mà phải điều tra truy tố, xét xử còn ít là do hành vi BLGĐ xảy ra trong nội bộ gia đình giữa bố, mẹ với con cái, vợ với chồng, ông bà với các cháu nên dù là nạn nhân của các hành vi BLGĐ nhưng do rào cản về đạo đức, tình cảm gia đình, các nạn nhân thường chọn giải pháp im lặng, không tố cáo, vì vậy các hành vi BLGĐ thường không bị phát hiện kịp thời và ít được xử lý ở cấp cơ sở.
Những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình không được các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể phát hiện, hòa giải kịp thời nên dẫn đến hành vi BLGĐ kéo dài và đã xảy ra những vụ trọng án do nguyên nhân BLGĐ. Ngoài ra, chế tài xử lý đối với các hành vi BLGĐ đã được quy định trong Luật tuy nhiên nhiều hành vi có mức hình phạt thấp do đó chưa có tính răn đe. Mặt khác, giữa các đối tượng có quan hệ tình cảm gia đình nên khi cơ quan điều tra vào cuộc thì lại rút đơn hoặc thay đổi lời khai nhằm giảm nhẹ hình phạt.
Công tác phòng, chống BLGĐ còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Việc ban hành văn bản thi hành còn chậm; sự phối hợp, chia sẻ thông tin còn hạn chế; nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống BLGĐ chưa được truyền tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động của các mô hình phòng, chống BLGĐ thiếu tính bền vững, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế…
Thực tế cho thấy, từ khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Luật phòng chống BLGĐ và các văn bản quy phạm pháp luật quy định, xử lý cụ thể các hành vi vi phạm đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả mà BLGĐ gây ra. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về phòng chống BLGĐ được nâng lên rõ rệt, nhất là nam giới, hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi được nâng cao. Đa số các hộ dân đã nhận thấy được trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, tố cáo những hành vi bạo hành gia đình để các cơ quan chức năng kịp thời can thiệp cũng như quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế gắn với xây dựng gia đình văn hóa.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi BLGĐ vi phạm pháp luật. Vì thế, hòa giải ở cơ sở là nguyên tắc chủ đạo được Luật Phòng, chống BLGĐ quy định khi xử lý vụ việc. Các tổ hòa giải được thành lập ở cấp thôn, tổ, tiểu khu giúp tham gia giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh.
Các mô hình phòng, chống BLGĐ được duy trì cũng là một trong những địa chỉ tin cậy để nạn nhân được chia sẻ, lên tiếng bảo vệ như: Mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; nhóm phòng, chống BLGĐ tại các xã, phường, thị trấn; địa chỉ tin cậy cộng đồng…
Ngoài ra, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các Hội, đoàn thể để đẩy manh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền công tác phòng, chống BLGĐ; nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý cho người dân; gắn nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cần tăng cường các chế tài xử lý các hành vi BLGĐ; làm tốt công tác tập huấn để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phát hiện, tư vấn, hòa giải, thu thập thông tin số liệu cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên, hòa giải viên ở cơ sở…
nguồn hoinongdan.org.vn